- Trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa chỉ ra có 4 cấp đại diện mà các nguyện vọng chính đáng, bức xúc của cử tri vãn chưa được phản ánh kịp thời, đầy đủ.

Thảo luận về luật Tổ chức chính quyền địa phương tại QH chiều 1/6, ĐB Huỳnh Nghĩa chỉ ra thực trạng ĐB HĐND kiêm nhiệm quá nhiều, nhất là kiêm nhiệm bên khối chính quyền dẫn đến tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" khiến hoạt động của HĐND hình thức.

Cơ chế tự ứng cử phải thực sự dân chủ

ĐB Huỳnh Nghĩa chỉ ra mâu thuẫn luật điều chỉnh theo hướng tăng lượng ĐBQH chuyên trách nhưng trong dự thảo, số lượng ĐB HĐND chuyên trách không thay đổi. "Dường như ban soạn thảo né tránh vấn đề này?".

"Cần quy định trong luật tỉ lệ ít nhất 30% ĐB chuyên trách cấp tỉnh, 20% cấp huyện, 15% cấp xã đồng thời quy định hạn chế thấp nhất số lượng ĐB HĐND đồng thời là lãnh đạo hoặc cán bộ công chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND, tăng cường số lượng ĐB HĐND thuộc khối Đảng, tổ chức đoàn thể xã hội" - ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị.

Ông cũng kiến nghị thẩm quyền quyết định của HĐND về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh để HĐND thực sự là cơ quan quyền lực theo đúng nghĩa.

XEM ĐB HUỲNH NGHĨA PHÁT BIỂU:

ĐB Đà Nẵng nêu rõ, hiện nay mỗi cử tri có 4 cấp: ĐB dân cử từ xã, phường đến QH đại diện cho mình nhưng xem ra quyền lợi của cử tri , đặc biệt các nguyện vọng chính đáng, bức xúc của họ vẫn chưa được phản ứng kịp thời và đầy đủ.

"Việc thực hiện quyền làm chủ còn nặng hình thức, tình trạng dân có những việc oan trái đây đó vẫn còn xảy ra nên bên cạnh thông qua luật này cần sớm thông qua luật Bầu cử ĐBQH, HĐND, cơ chế giới thiệu người tự ra ứng cử thực sự dân chủ, chọn lựa người có đức, có tài, có tầm vào cơ quan dân cử để ĐB gần dân một cách thiết thực và hiệu quả. Số lượng ĐB chuyên trách là một trong những nội dung quan trọng nhất để thực hiện yêu cầu đó" - ông phát biểu.

Giữ nguyên như cũ?

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay, cấp nào cũng đều có HĐND và UBND nhưng có sự điều chỉnh nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bên trong cho phù hợp đặc điểm nông thôn, đô thị.

"Tôi cho đây là phương án tối ưu vừa bảo đảm tính hợp hiến, vừa thể hiện đầy đủ bản chất của Nhà nước của dân, do dân bầu ra, vì dân và phù hợp với Hiến pháp 2013" - ông nhấn mạnh.

ĐB phản ánh, lâu nay ý kiến cho rằng HĐND hoạt động hình thức nhưng hình thức không phải do ĐB mà do chưa trao cho HĐND cơ chế, công cụ, biện pháp đủ mạnh, sắc bén và hữu hiệu để thực hiện chức năng của mình.

Theo đó, ông kiến nghị luật cần xác định rõ hiệu lực pháp luật của các quyết định, nghị quyết của HĐND và kết luận, nghị quyết về giám sát của HĐND là bắt buộc thực hiện đối với UBND, các cơ quan thuộc ủy ban, chính quyền cấp dưới và tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn địa phương, xác định rõ các cơ quan chịu trách nhiệm, cá nhân chịu trách nhiệm và chế tài xử lý  trong tổ chức thực hiện nghị quyết, kết luận của HĐND.

XEM ĐB TRẦN NGỌC VINH:

Quyền thực của địa phương đến đâu?

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho hay, dự luật có quy định thẩm quyền của chính quyền địa phương nhưng rất chung chung chung về thầm quyền, nhiệm vụ của HĐND và chính quyền địa phương các cấp.

"Các cấp chính quyền đều có nhiệm vụ, quyền hạn được quy định giống nhau có ổn không? Tôi đề nghị rà soát lại" - bà phát biểu.

XEM ĐB NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM:

ĐB cho rằng, trong dự luật có rất nhiều nội dung nói đến thẩm quyền, nhiệm vụ, quyết định của chính quyền địa phương, của HĐND các cấp nhưng đặt câu hỏi liệu thực chất HĐND quyết định được những vấn đề gì trong luật này, có khắc phục được tình trạng HĐND, chính quyền địa phương quyết định nhưng chỉ mang tính thủ tục?

"Ví dụ quyết định cái mà Chính phủ, QH, bộ ngành đã quyết rồi, cấp ủy địa phương đã quyết rồi. Quyết định như vậy có phải là hình thức không trong hoạt động của chính quyền địa phương, có cách gì khắc phục, trong luật này có quy định hay không?".

X.Linh - H.Nhì - H.Phúc - Nguồn clip: VTV