Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói với người đồng cấp Trung Quốc Lương Quang Liệt rằng, hai nước nên tìm cách cải thiện quan hệ quân sự vốn tụt hậu so với quan hệ kinh tế, làm việc cùng nhau vì những lợi ích chung mà không để cho tranh cãi xuất hiện.
“Trong vài tháng gần đây, hai nước đã có tiến bộ khi chấn chỉnh sự mất cân bằng này bằng cách cùng nhau xác định các lĩnh vực hợp tác”, ông Gates nói với ông Lương lúc bắt đầu cuộc họp bên lề hội nghị Thượng định An ninh châu Á thường niên IISS – Đối thoại Shangri-La tại Singapore.
“Khi tôi rời nhiệm sở vào cuối
tháng này, tôi tin tưởng rằng quan hệ quân sự của chúng ta sẽ bước tiếp trên một
quỹ đạo tích cực hơn”, ông Gates nhấn mạnh. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang
thực hiện chuyến thăm châu Á cuối cùng trước khi nghỉ hưu. Ông dự kiến sẽ có bài
phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert
Gates và người đồng cấp Trung Quốc Lương Quang Liệt đã có cuộc gặp song phương
bên lề hội nghị Thượng định An ninh châu Á thường niên IISS tại Singapore
Ảnh: AP |
Hành động cân bằng
Quan chức ngoại giao Mỹ đang làm việc hướng tới “sự cân bằng” hơn là “kiềm chế” Trung Quốc, Dana Allin – nhà nghiên cứu cấp cao về chính sách đối ngoại Mỹ và xuyên Đại Tây Dương thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại London nói.
“Phần ấy của trò chơi ngoại giao đã được chơi một cách khéo léo”, Allin nhấn mạnh.
Cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã yêu cầu quân đội hai nước tăng cường mối quan hệ.
Mỹ đang cố gắng vượt qua các trở ngại và khác biệt để có mối quan hệ tốt với Trung Quốc bằng việc tập trung vào những vấn đề mà cả hai bên dường như đã có tiến triển, quan chức quốc phòng Mỹ nói với báo chí sau cuộc gặp giữa lãnh đạo quân sự hai bên. Ông Gates đã dẫn những lĩnh vực “có lợi ích chiến lược chung” như chống cướp biển, Triều Tiên hay đối phó thảm họa.
“Tôi cũng tin tưởng rằng, điều quan trọng là duy trì đối thoại trên các lĩnh vực mà chúng ta bất đồng, để chúng ta có thể hiểu rõ hơn ý định của nhau”, ông Gates nhấn mạnh.
Ông Lương qua thông dịch viên nói rằng, cải thiện quan hệ quân sự là “quan trọng” với các nhà lãnh đạo hai nước. Ông nhấn mạnh rằng “những chính sách mới” có thể là cần thiết nhưng không đề cập chi tiết gì hơn.
Trung Quốc cử đại diện cấp cao
Sự hiện diện của ông Lương Quang Liệt tại hội nghị an ninh châu Á lần này là đáng chú ý bởi đây là lần đầu tiên Trung Quốc cử bộ trưởng quốc phòng tới tham dự cuộc họp có sự tham dự của 35 quốc gia. Ngày mai, ông Lương dự kiến sẽ có bài phát biểu.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã cảnh báo các nước tham dự hội nghị về việc phản đối nỗ lực đưa ra một chọn lựa kiểu thời Chiến tranh Lạnh giữa Trung Quốc và Mỹ. Ông khẳng định, việc gia tăng khả năng quân sự của Trung Quốc không nên “báo động quá mức”.
“Mặc dù chi phí quân sự của Trung Quốc gia tăng nhanh chóng, nhưng cho tới nay, Mỹ tiếp tục là cường quốc quân sự ưu việt và nước chi tiêu lớn nhất”, ông Najib nói.
Ông Najib khuyến cáo cần cư xử với Trung Quốc “theo cách xây dựng và tích cực”, đồng thời nhấn mạnh các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nên có phản ứng tương tự.
Các cuộc gặp Mỹ - Trung
Bộ trưởng Gates đã thăm Bắc Kinh vào tháng 1 năm nay sau khi Trung Quốc chấm dứt sự đình trệ trong quan hệ quân sự hai bên hồi tháng 1/2010 để phản đối việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.
Tháng trước, đoàn đại biểu quân sự cấp cao Trung Quốc do ông Trần Bỉnh Đức – Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc đã tới Mỹ và có cuộc hội đàm với Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Geoff Morrell nói với báo chí, cuộc gặp bên lề hội nghị an ninh khu vực giữa hai nhà lãnh đạo quân sự Trung – Mỹ là “hữu ích và thân mật”.
Ông Gates đã tìm cách bảo đảm với người đồng cấp Trung Quốc rằng, người kế nhiệm ông – Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ Leon Panetta – sẽ tiếp tục nỗ lực để củng cố hợp tác hơn nữa, Morrell cho biết.
Theo quan chức quốc phòng Mỹ, ông Gates và ông Lương không thảo luận cụ thể về vấn đề mạng.
Căng thẳng ở Biển Đông
Vài tuần nay, căng thẳng lại leo thang ở Biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, bác bỏ các bên tuyên bố chủ quyền khác như Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia. Trong hội nghị an ninh năm ngoái, ông Gates từng tuyên bố Mỹ có lợi ích trong vùng biển này. Trước đó một tháng, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố, giải quyết tranh chấp giữa các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông là “ưu tiên ngoại giao hàng đầu” với Mỹ.
Exxon Mobil Corp., Talisman Energy Inc. và Forum Energy Plc đều có kế hoạch tiến hành các hoạt động thăm dò ở những lô mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Philippines đã gửi công hàm phản đối sau khi có báo cáo về việc các tàu Trung Quốc bị phát hiện ở khu vực mà cả hai nước tuyên bố chủ quyền, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin nói trong một diễn đàn tại Manila đầu tuần này. Tuần trước, bộ Ngoại giao Việt Nam đã kiên quyết phản đối việc các tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp dầu khí tàu thăm dò của PetroViệt Nam khi tàu này tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam.
-
Thái An (Theo bloomberg, Reuters)