- "Để giải quyết và đi đến cùng được một sự việc thì cách làm tốt nhất vẫn phải là dùng nhiều mũi tấn công", ông Nguyễn Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ Y học Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm hoạt động Quốc hội. Ông là người ba lần tự ứng cử nhưng chỉ thất bại ở lần đầu tiên.

Đừng để mình bị chìm xuồng

Ông từng nói việc mình tự ra ứng cử Đại biểu Quốc hội ở khóa trước giống như một người lính lái xe đi qua chiếc cầu độc mộc tiến vào chiến trường. Vậy còn cảm giác khi quyết định tự ứng cử lần này thì sao?

- Buổi chiều hết hạn thì buổi sáng tôi mới mang hồ sơ lên ủy ban bầu cử nộp.

Tuy nhiên, lần này thì tôi có cảm giác là tôi sẽ trúng cử. Một khi đã bơi thì sẽ cố gắng bơi được qua sông, đừng để mình bị chìm xuồng. Tôi vẫn khuyên những người có ý định tự ứng cử rằng nếu ai đó vững tin vào chính mình thì cứ nên nộp hồ sơ.


ĐBQH Nguyễn Minh Hồng. Ảnh: Long Anh

Cái chính không nằm ở cơ cấu mà tùy vào sự tín nhiệm của dân.

Rất may là khóa 12 tôi đã cố gắng hoạt động tích cực nên khi đi tiếp xúc cử tri lúc ứng cử khóa 13 tôi nhận được nhiều ý kiến tán thành. Kết quả tôi cũng đã trúng cử với số phiếu bầu rất cao. Hơn nữa đã qua một khóa hoạt động Quốc hội nên tôi thấy mình trưởng thành lên, có thêm nhiều kinh nghiệm.

Ông đã hứa với cử tri sẽ làm những gì vào khóa tới?

- Tôi cho rằng để mọi việc đạt hiệu quả cao nhất thì đại biểu không chỉ phản ánh nguyện vọng của cử tri mà còn phải đốc thúc, giám sát để sự việc có kết quả cao nhất.

Là bác sĩ, tôi quan tâm đến việc làm thế nào để chấm dứt tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép ba, bốn người một giường. Các tuyến bệnh viện Trung ương đang quá tải vì người dân có nhu cầu muốn tìm đến cơ sở chất lượng cao. Do đó, các bệnh viện nên được mở rộng hết quy mô, nhân sự, số giường. Giải pháp tốt nhất là giãn bệnh viện ra khỏi nội thành.

Hiện, một số bệnh viện cũng đã chuyển ra ngoài nhưng chỉ là chuyển đi một phần trong khi phải chuyển toàn bộ. Chúng ta cứ hô hào chấm dứt tình trạng nằm chung ba bốn người một giường nhưng có lẽ phải tìm biện pháp quyết liệt hơn.

Ngoài ra, tôi cũng quan tâm đến chính sách cho các đối tượng như người có công với nước, chuyện nhà ở cho sinh viên và cho sinh viên vay tiền học Đại học.

Đối tượng thứ ba tôi quan tâm là những người lính biên phòng.

"Sẽ tranh thủ khoác tay Bộ trưởng ở hành lang"

Đặt ra nhiều mục tiêu như vậy ông thấy mình có làm xuể?

-  Tôi đề xuất 10 vấn đề, nhưng tôi sẽ rải ra đều và làm lần lượt trong 5 năm.

Phương pháp làm việc của tôi sẽ rất khác. Tôi sẽ không chỉ phát biểu tại hội trường mà còn tranh thủ nói tại các phiên họp ủy ban, rồi đi giám sát. Thậm chí tôi sẽ tranh thủ khoác tay nói ngoài hành lang cả với những người mà tôi biết rằng có thể đưa được ý kiến của mình vào Quốc hội.

Như về vấn đề y tế thì ông định khoác tay nói nhỏ với ai?

- Khóa trước tôi từng khoác tay ông Bộ trưởng hai lần để góp ý về vấn đề bảo hiểm y tế. Sau đó lại khoác tay cả với Tổng giám đốc Bảo hiểm Việt Nam và còn viết ý kiến của mình ra giấy gửi đến ông ấy. Nghe đâu sau đó cũng có một chút chuyển biến.

Để giải quyết và đi đến cùng được một sự việc thì cách làm tốt nhất vẫn phải là dùng nhiều mũi "tấn công"  thì mới gây ra tác động mạnh mẽ được. Nói chung phải tìm nhiều cách thức khác để đưa được ý kiến của mình lên diễn đàn.

Chúng tôi là doanh nghiệp tư nhân, thời gian là vàng. Nhưng để làm ĐBQH thì phải hy sinh. Nhất là làm ĐB tự ứng cử được dân bầu lại càng phải san sẻ thời gian nhiều hơn.

Số người tự ứng cử trúng cử lần này cao gấp bốn so với khóa trước. Theo ông, cánh cửa mở ra cho những người tự ứng cử các khóa sau đã rộng rãi hơn chưa?

- Lần bầu cử này đã diễn ra rất quyết liệt. Việc số người dân tự ứng cử tăng lên gấp bốn lần cũng thể hiện rõ ràng hơn sự dân chủ của chế độ và nhà nước. Đây là một tín hiệu rất tốt.

Những người tự ứng cử như chúng tôi không phải thành phần trong cơ quan nhà nước mà là người làm việc trên thương trường tự do. Tuy nhiên, đây là lực lượng rất cần thiết phải có tiếng nói đại diện trên diễn đàn Quốc hội nên tôi cũng mong cho đội ngũ này xuất hiện ngày càng nhiều hơn nữa.

Ông Nguyễn Minh Hồng từng tự ứng cử vào Quốc hội khóa 11 nhưng không trúng. Khóa 12, ông là đại biểu Quốc hội tự ứng cử duy nhất trúng. Khóa 13, ông tiếp tục tự ứng cử và được cử tri Nghệ An bầu với 80,44% số phiếu.

  • Lê Nhung