- Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ báo cáo trước QH tình hình Biển Đông trong phiên họp kín cuối giờ chiều nay.

Thông tin được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho báo chí biết bên hành lang phiên họp QH sáng nay.

{keywords}
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (trái) và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên hành lang QH

VietNamNet cũng ghi nhận bên lề ý kiến của một số ĐBQH.

Không vì hợp tác mà hy sinh một tấc đất

ĐB Nguyễn Anh Sơn, Trưởng đoàn ĐBQH Nam Định chờ đợi được biết những thông tin từ báo cáo của Chính phủ mà ngay cả báo chí trong nước và nước ngoài chưa đề cập. Ông cho hay cử tri chờ đợi biện pháp, cách thức, định hướng, kế hoạch Đảng và Nhà nước phải làm và sẽ làm như thế nào để tiếp tục khẳng định chủ quyền các vùng biển, đảo của mình và an lòng dân. 

{keywords}

ĐB Nguyễn Anh Sơn

Nhắc lại lời Thủ tướng từng trả lời chất vấn tại kỳ họp QH trước đó là với TQ, ta xác định "vừa hợp tác vừa đấu tranh", ĐB cũng nhấn mạnh hợp tác là cần thiết nhưng phải giữ vững chủ quyền, không vì hợp tác mà hy sinh dù chỉ một tấc đất.

Ngoài lắng nghe báo cáo của Chính phủ, ĐB tỉnh Nam Định mong muốn bố trí thời lượng kỳ họp QH để thảo luận về những diễn biến đang xảy ra ở Biển Đông. Theo ông, thời gian kỳ họp QH còn tương đối dài. Nếu số đông ĐBQH có ý kiến và kiến nghị QH có thể cân nhắc, bố trí một phiên thảo luận về Biển Đông.

"Trong thâm tâm tôi rất muốn QH phải có tiếng nói chính thức".

Theo ông nếu chỉ dừng lại một thông báo như kỳ họp trước, khi giàn khoan cắm vào vùng biển thuộc chủ quyền của ta thì chưa đủ, chưa đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.

"Cử tri muốn có hành động rõ hơn" - ông phát biểu.

Sách lược mềm dẻo, khôn khéo

ĐB Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng đoàn Hải Phòng bày tỏ mong muốn nghe Chính phủ báo cáo tình hình, thực trạng thực sự về Biển Đông cũng như chủ trương của Đảng và Nhà nước xử lý tranh chấp trên biển với TQ.

{keywords}

ĐB Trần Ngọc Vinh

Liệu Chính phủ hay QH có cần ra một nghị quyết, hoặc tuyên bố một thông điệp để yên lòng dân trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Biển Đông?

Cần phải làm từng bước một vì chúng ta làm gì cũng phải làm theo luật. Dù QH ra nghị quyết nhưng có đúng theo trình tự pháp luật không hay chỉ là lời hiệu triệu thì hiệu quả sẽ không cao. Quyết sách của chúng ta phải hết sức mềm dẻo, khôn khéo về tình hình Biển Đông. Phải tuyên truyền các nước ủng hộ mình và yêu cầu TQ thực hiện đúng Công ước về Luật biển 1982.

Nhưng cử tri cũng cần được biết thông tin công khai về tình hình Biển Đông?

Mức độ thông tin đến đâu thì phải do các cơ quan công quyền quyết định. Vì không phải công khai hết thông tin đã là tốt. Sau khi nghe Chính phủ báo cáo, các ĐBQH sẽ về báo cáo lại với cử tri. Tuy nhiên cũng còn tùy vào từng đối tượng cử tri để truyền đạt lại về tình hình về Biển Đông chứ không phải cái gì cũng công khai hết.

Thu Hằng - Ảnh: Minh Thăng