- Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc thanh minh việc ĐB không thấy phát biểu ở họp QH không phải do 'lười' phát biểu mà họ đã có cả quá trình 'vỡ vạc', hiểu vấn đề từ đầu kỳ họp...

Trước thắc mắc của báo chí về việc phiên họp QH sáng nay nghỉ sớm, ĐBQH không có ý kiến phát biểu, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đó là do ĐB thấy việc chuẩn bị chu đáo, thuyết phục rồi nên không cần có ý kiến.

{keywords}

Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc

Tuy nhiên, ông cũng cho hay đã lường trước nội dung thảo luận về chương trình giám sát năm 2016 không nhiều ý kiến. Thông thường một phiên họp có 3 nội dung nếu nhiều ý kiến phát biểu thì vẫn thiếu thời gian.

Nên lý giải về buổi họp tan sớm sáng nay, ông Hạnh Phúc cho rằng đó là do ĐB thấy việc chuẩn bị chu đáo, thuyết phục rồi nên không cần có ý kiến nữa mà chỉ chờ đoàn thư ký kỳ họp gửi phiếu xin ý kiến để chọn nội dung giám sát cho nhiệm kỳ sau.

Bình thường nếu có ý kiến tại hội trường, sau đó sẽ có một văn bản giải trình tiếp thu các ý kiến này gửi kèm với phiếu. Nhưng ĐB không phát biểu nghĩa là họ đồng thuận với hai nội dung này, sẽ chuyển sang lấy ý kiến luôn, không cần giải trình nữa.

Bắt ĐB phát biểu là nhàm

"Nếu ĐB không có ý kiến gì mà cứ bắt họ phát biểu nọ kia thì rất là nhàm. Họ đồng ý phương án nào trong hai nội dung giám sát, nông thôn mới hay công nghiệp phụ trợ, sẽ được thể hiện bằng phiếu. Phương án nào có tỉ lệ chọn cao sẽ được đưa vào dự thảo nghị quyết để ĐB biểu quyết", Chủ nhiệm VPQH nói.

Phiên họp chiều nay ĐB vắng mặt nhiều khiến Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu "sốt ruột" đến nỗi cuối giờ họp đã phải nhắc các ĐB có mặt đầy đủ, vì trong hai tuần cuối của QH có nhiều nội dung cần biểu quyết. Số lượng ĐB bấm nút khi biểu quyết luật MTTQ chiều nay là 425/500 ĐB.

Về nội dung sáng nay, ông cho biết thêm, trước đó tất cả các đoàn ĐBQH và các cơ quan đã được hỏi ý kiến về nội dung giám sát, tổng hợp từ ý kiến họ gửi về, sau khi xem xét các nội dung đã được giám sát tại nhiệm kỳ 12 và từ đầu nhiệm kỳ 13 đến giờ, để không trùng nhau, cuối cùng còn hai nội dung trên.

Nhưng QH chỉ chọn một vì năm 2016 có nhiều việc, như Đại hội Đảng các cấp và bầu cử QH, HĐND các cấp, không phải hai chuyên đề như thường kỳ.

Ông Hạnh Phúc cũng cho biết theo quan sát của ông, từ kỳ họp thứ nhất khóa này, đây có lẽ là lần đầu tiên trình ra xin ý kiến về chương trình giám sát được đồng tình rất cao.

"Công tác chuẩn bị rất quan trọng, chuẩn bị kỹ, ĐB thấy thấu đáo, hợp lý sẽ đồng tình", Chủ nhiệm VPQH nhận định.

Phát biểu là quyền của ĐB, không nên thống kê

Chuyện nghỉ họp sớm, nhất là ở họp tổ, cũng có ý kiến cho là gần cuối nhiệm kỳ nên ĐB "lười" phát biểu, "không nhả tơ", lãng phí ngân sách bỏ ra, ông nghĩ thế nào?

Nói ĐB "lười" phát biểu thì không phải. Họ đã nghiên cứu trong cả quá trình từ đầu kỳ họp đến giờ, tiếp xúc các tài liệu, trao đổi với các bộ trưởng, trưởng ngành, vỡ vạc và hiểu ra nhiều, thấy ý kiến của mình đã được giải quyết rồi thì không phát biểu nữa. Họ sẽ phát biểu khi vẫn còn điểm chưa rõ.

Theo ông, có nên tổng kết xem trong một khóa QH có ĐB nào không bao giờ tham gia ý kiến gì không?

ĐBQH phát biểu ở đâu đều có giá trị như nhau, dù là trong hay ngoài kỳ họp, trong tổ hay trong đoàn hay tại hội trường, đều có bóc băng, thu về tập trung về đoàn thư ký kỳ họp để chuyển đến các cơ quan trình và thẩm tra các dự án để tiếp thu. Mà các ĐB phát biểu ở tổ rất nhiều vì trên hội trường có đâu được 29-30 người là hết, có người không được phát biểu còn ghi giấy gửi lại đoàn thư ký.

Muốn thống kê chắc cũng được nhưng tôi nghĩ số không bao giờ có ý kiến gì chắc ít lắm, không đáng kể. Phát biểu cũng là quyền của ĐB, thống kê để làm gì?

Chung Hoàng (ghi)

Không có thư ký, có khi đại biểu 'gật gù cho xong'

Họp tổ Quốc hội vì sao 'mất lửa'?

'Dân không bầu đại biểu vào Quốc hội để vỗ tay'