Mặt ngoài của phù điêu, đặt đối diện Học viện Hải quân, nằm trên đường Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên (Nha Trang), có khắc họa chính là hình ảnh thiên cổ hùng thư “Hịch Tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo cùng đoạn trích: “Ta thường tới bữa quên ăn, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa được xẻ thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng cam lòng…”.
“Hịch Tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo được khắc ghi trên phù điêu mới dựng tại công viên Bạch Đằng (Nha Trang). Ảnh: Trúc Nam Sơn. |
Mặt trong tác phẩm phù điêu, khắc họa tái hiện các hình ảnh tinh thần “quyết chiến” bảo vệ non sông tại hội nghị Diên Hồng cùng các trận chiến “sát Thát” vang dội của quân dân dưới triều nhà Trần.
Tượng đài Trần Hưng Đạo đại vương như cưỡi mây, đạp sóng tại công viên Bạch Đằng (Nha Trang). |
Còn toàn bộ tượng đài đức Thánh Trần Hưng Đạo và các phù điêu quanh bệ tượng khắc họa các trận chiến lừng danh gắn liền tên tuổi Đại vương Trần Hưng Đạo, vốn được xây dựng từ năm 1968, đều được giữ nguyên, chỉ tôn tạo bằng cách ốp thêm đá trở nên trang trọng hơn.
Mài lại nắm tay “Sát Thát” (“Giết giặc Nguyên”) trên phù điều lịch sử. |
Toàn bộ công viên Bạch Đằng (Nha Trang) rộng 7.800m2 đã được Công ty cổ phần Vinpearl tài trợ đầu tư, thực hiện trùng tu với tổng kinh phí khoảng 15 tỷ đồng. Ngoài các hạng mục vừa hoàn thành, sắp tới công ty Vinpearl sẽ tiếp tục xây dựng lại nhà thờ đức Thánh Trần Hưng Đạo, lầu bát giác trong công viên này và sẽ tiếp tục bàn giao lại cho thành phố Nha Trang.
“Giặc Mông Nguyên với ta là kẻ thù không đội trời chung, mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn rửa nhục, không lo trừ hung, lại không dạy quân sĩ, chẳng khác nào quay mũi giáo mà xin đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc. Nếu vậy, rồi đây, sau khi dẹp yên nghịch tặc, để thẹn muôn đời, há còn mặt mũi nào đứng trong cõi trời che đất chở này nữa?” (Trần Hưng Đạo – trích “Hịch Tướng sĩ”) |
Trúc Nam Sơn