- Nhiều chuyện "xé rào", "cởi trói" trong thời kỳ bao cấp ở TP.HCM được chia sẻ tại hội thảo khoa học "Nguyễn Văn Linh với cách mạng miền Nam, với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, TP.HCM" sáng nay.
Đầu những năm 1980, một hội nghị ngành dệt diễn ra trong trụ sở công ty dệt Phước Long. 20 giám đốc trong và ngoài ngành dệt đã có cuộc "báo cáo" trước 200 đại biểu gồm lãnh đạo tỉnh, thành phố, các bộ, ban ngành và gần như đầy đủ các thành viên Hội đồng Bộ trưởng.
Hợp pháp thì không hợp lý, hợp lý thì không hợp pháp
Đến lượt phát biểu, giám đốc công ty dệt Phước Long đứng lên "thú nhận" chuyện công ty đã "hạch toán hai sổ" kinh doanh. Một sổ hợp pháp ghi thu chi các sản phẩm đầu vào theo giá nhà nước để báo cáo, còn sổ hợp lý ghi thu chi theo giá thật trên thị trường và dễ điều hành doanh nghiệp.
Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải thăm hỏi phu nhân của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tại hội thảo |
Ông giám đốc nói trước bá quan văn võ rằng, sổ hợp pháp thì không hợp lý, còn sổ hợp lý thì không hợp pháp. Đó là tình trạng thật của các DN ở TP khi đó, làm vậy để tự tháo gỡ khó khăn của cơ chế bao cấp.
Câu chuyện của ngành dệt bị thanh tra trong 100 ngày đầu năm 1983 cũng cho thấy sự táo bạo "phá rào" của TP.HCM. Khi đó Bộ Tài chính công bố kết quả thanh tra TP.HCM có 1 công, 7 sai phạm. Cả 7 sai phạm chủ yếu vi phạm cơ chế bao cấp của nhà nước.
Cũng thời đó, trước tình hình nguyên liệu cạn kiệt, sản xuất đình đốn, lãnh đạo TP đã chấp thuận cho công ty xuất nhập khẩu TP và công ty xuất nhập khẩu Chợ Lớn huy động vốn của nhiều đơn vị, hợp tác xã, tổ hợp của tư nhân để mua nông sản ở TP và một số tỉnh ĐBSCL với giá thỏa thuận, xuất khẩu tiểu ngạch sang Singapore, HongKong... lấy ngoại tệ nhập nguyên liệu vật tư cho nhu cầu sản xuất công nghiệp.
Cách "gỡ đói" nguyên liệu ấy sau đó mở rộng ra nhiều mặt hàng, nhiều ngành, công nghiệp TP bước đầu giải quyết được khâu nguyên liệu, vật tư khan hiếm, vừa có sản phẩm bán ra có lãi, vừa giải quyết được việc làm cho công nhân. TP.HCM lúc đó là địa phương duy nhất của cả nước có ngoại tệ đô la Mỹ để nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nhớ lại, thành công nhất của giai đoạn Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Linh lãnh đạo, đó là tìm những mô hình tháo gỡ sự trói buộc của cơ chế quản lý kinh tế theo kiểu tập trung quan liêu - hành chính - bao cấp.
Bật đèn xanh cởi trói
Ông Phan Văn Khải vẫn nhớ đến hai cuộc hội nghị lịch sử lần thứ 10 và 11 của Ban chấp hành Đảng bộ TP trong hai năm 1979-1980 đã mở những khâu đột phá dọn đường cho những phong trào quần chúng sản xuất nông nghiệp, thương nghiệp.
Nhớ thời TP.HCM cởi trói, xé rào |
"Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Thành ủy TP.HCM đã mở rộng chiến dịch chỉ đạo nhằm kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu - hành chính - bao cấp, bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh trong hơn 160 đơn vị kinh tế cơ sở sản xuất ra hơn 800 chủng loại sản phẩm cung cấp cho nhu cầu xã hội" - nguyên Thủ tướng chia sẻ.
Ông cho hay sự năng động và sáng tạo của TP thời kỳ này bị một số người ngộ nhận, phê phán là làm trái nguyên lý kinh tế XHCN.
Nhưng Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh khi đó giữ vững quan điểm, nhất quán ủng hộ cái mới và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân.
PGS.TS Hà Minh Hồng - Đại học KHXHNV TP.HCM cũng kể, chính Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh đã viết kịch bản của hội nghị Đà Lạt năm 1983 để những điển hình xé rào ở TPHCM chủ động cởi mở, nói thẳng, nói thật, không giấu giếm thực chất của việc phá rào trước lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Để mắt thấy tai nghe, các vị lãnh đạo được đưa đến các cơ sở chế biến tơ tằm và xí nghiệp chè của TP.HCM tại Bảo Lộc, qua đó làm sáng tỏ những vấn đề thuộc về cơ chế và yêu cầu tháo gỡ cơ chế cũ. Chủ tịch Trường Chinh thấy vậy muốn đi thăm hàng loạt các nhà máy, đơn vị xé rào, thị sát trực tiếp tại cơ sở, lắng nghe ý kiến quần chúng.
Thời kỳ tiền đổi mới tiên phong của TP.HCM là thực tiễn quý giá để sau này Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước |
Kết quả của sự tìm tòi đổi mới kinh tế và phát hiện ra những cung cách làm ăn mới ở TP.HCM và một số địa phương khác như Long An, Hải Phòng, Vĩnh Phú... đã giúp TƯ có thêm cơ sở thực tiễn cho việc hình thành đường lối đổi mới của đất nước, mở đầu từ Đại hội 6.
Trước yêu cầu bức bách của cuộc sống, Nhà nước không cứu được sự suy thoái và phá sản đã buộc phải "bật đèn xanh" cho các hình thức tự cứu lấy mình trước khi trời cứu, hai chữ "bung" và "cởi trói" từng xuất hiện ngay trong Nghị quyết TƯ 6 (8/1979).
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh kể, ông nhiều lần được nghe Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói rằng, con đường cơ bản tạo ra sự đổi mới nhanh chóng và đúng đắn là xông thẳng vào cuộc sống để tổ chức hành động, qua thực tiễn sẽ làm bộc lộ cái gì cần đổi mới và đổi mới như thế nào.
Không một ai, một cơ quan nào có thể vạch ra nội dung đổi mới cụ thể cho tất cả các cấp, các ngành. Cứ ngồi trong phòng mà thảo luận miên man thì không có lối ra.
Xuân Linh