Hôm nay (8/12), sau khi một tòa án Anh từ chối bảo lãnh, quyết định tiếp tục giam giữ nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange, Australia đã cho rằng, Mỹ phải chịu trách nhiệm trong vụ hàng loạt điện tín ngoại giao mật bị rò rỉ chứ không phải là Assange.


Julian Assange, người Australia 39 tuổi, đã đầu hàng cảnh sát Anh hôm qua sau khi Thụy Điển phát lệnh truy nã ông với tội hiếp dâm. Assange, đã phủ nhận mọi cáo buộc, hiện vẫn bị giam cho tới một phiên tòa khác ngày 14/12.

Sau đó không lâu, Ngoại trưởng Australia Kevin Rudd cho hay, người đầu tiên làm rò rỉ tài liệu, không phải là Assange, phải chịu trách nhiệm pháp lý và vụ việc này đặt ra nhiều câu hỏi về việc đảm bảo an ninh “thích hợp” của Mỹ.

Ảnh: Reuters
"Bản thân ông Assange không có trách nhiệm trong vụ công bố trái phép 250.000 điện tín ngoại giao mật”, ông Rudd nói trong cuộc phỏng vấn với Reuters.

"Người Mỹ phải chịu trách nhiệm việc này”, ông Rudd nhấn mạnh. Ngoại trưởng Australia trong một bức điện tín mật bị rò rỉ được mô tả là “người rất hay thay đổi”.

Nguồn gốc vụ rò rỉ tài liệu mật hiện chưa được làm rõ, mặc dù một quân nhân Mỹ làm việc ở vị trí phân tích tình báo tại Iraq, Bradley Manning, đã bị cáo buộc tải trái phép hơn 150.000 bức điện tín của Bộ Ngoại giao.

Quan chức Mỹ đã từ chối nói rằng, đó cũng chính là những bức điện tín được WikiLeaks đang công bố.

Hôm qua, Assange đã bảo vệ WikiLeaks khi khẳng định, việc công bố tài liệu mật là điều cốt yếu để mở rộng dân chủ, đồng thời ví ông với trùm truyền thông Rupert Murdoch trong việc tìm kiếm công khai sự thật.

Một thượng nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng cho rằng, Thời báo New York và một số tổ chức báo chí khác xuất bản các bức điện tín mật có thể bị điều tra vì vi phạm luật hoạt động gián điệp của nước này.

Theo Joe Lieberman, Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Thượng viện, cơ quan tư pháp cũng nên kết tội Julian Assange theo Luật Hoạt động gián điệp năm 1917 và cố gắng dẫn độ ông này khỏi Anh.

WikiLeaks đã chia sẻ các bức điện tín mật với năm tổ chức báo chí lớn từ cuối tuần trước, gồm Der Spiegel, El País, Le Monde, Guardian, và New York Times.

Trong khi đó, Dave Lapan, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay, đã có những dấu hiệu cho thấy những cường quốc nước ngoài “rút lại” những thỏa thuận của họ với Mỹ kể từ khi các tài liệu mật bị rò rỉ. Lapan từ chối đưa ra ví dụ cụ thể.

  • Thái An (Theo Reuters, Guardian)