- Sau 11 năm kể từ APEC 2006, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức thành công hội nghị khu vực vào năm 2017 tới.

"Cùng với việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và ứng cử vào Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021, cũng như nỗ lực hoàn tất các cam kết gia nhập WTO vào 2018, Năm APEC 2017 khẳng định quyết tâm của VN hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói tại hội thảo chuẩn bị cho APEC 2017 hôm nay.

{keywords}

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Với thế và lực mới sau 30 năm đổi mới, VN hoàn toàn có đủ khả năng để đóng góp hiệu quả hơn cho APEC. Ảnh: Chung Hoàng

Phó Thủ tướng nhận định trong hơn 25 năm qua, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC khẳng định là một cơ chế  hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực và trên thế giới, dẫn dắt tiến trình tự do hóa thương mại và đầu tư, thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc vì hòa bình và phát triển.

APEC hội tụ hầu hết các nền kinh tế năng động nhất của khu vực, đại diện khoảng 39% dân số thế giới, đóng góp 57% GDP và 47% thương mại toàn cầu. Những thỏa thuận của APEC đã góp phần giảm gần 3 lần mức thuế quan trung bình ở khu vực và tăng 7 lần thương mại hàng hóa nội khối.

Đối với VN, APEC là nơi hội tụ hầu hết các đối tác chiến lược, đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của VN, đem lại 78% đầu tư trực tiếp nước ngoài, 79% tổng giá trị thương mại quốc tế và 70% lượng khách du lịch đến VN. 13 trong 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán là với các đối tác APEC.

Vì vậy, việc VN đăng cai tổ chức APEC 2017, 11 năm sau lần tổ chức đầu tiên năm 2006, có ý nghĩa là sự đóng góp quan trọng nhất của VN đối với Diễn đàn trong bối cảnh mới, nhằm thúc đẩy quan tâm chung là duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác vì phát triển bền vững và thịnh vượng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.

Để chuẩn bị cho sự kiện lớn này, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp VN "đổi mới cách nghĩ, cách làm, cách thức phối hợp liên ngành", chuyển tư duy từ “tham gia” sang “chủ động đóng góp và tích cực đề xuất ý tưởng, sáng kiến”.

"Với thế và lực mới sau 30 năm đổi mới, VN hoàn toàn có đủ khả năng để đóng góp hiệu quả hơn cho APEC", ông Phạm Bình Minh khẳng định.

Quảng bá VN hội nhập mạnh mẽ

Với tư cách nước chủ nhà, APEC 2017 còn đem lại cho VN cơ hội giới thiệu đến bạn bè khu vực về một đất nước đổi mới, năng động, có nhiều tiềm năng phát triển, đang trên con đường hội nhập toàn diện với tâm thế mới.

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng nhận định: "Ta đóng góp để APEC phát triển cũng là để tận dụng phát triển kinh tế của VN, phù hợp với xu thế liên kết kinh tế đang phát triển mạnh mẽ trong khu vực".

{keywords}

Các nguyên thủ quốc gia mặc áo dài tại APEC 2006 Hà Nội.
Ảnh: VietNamNet

APEC 2017 sẽ diễn ra ở nhiều vùng miền trên cả nước với hơn 100 hội nghị, cuộc họp các cấp. Trong tuần lễ cấp cao, dự kiến VN sẽ đón khoảng 10.000 đại biểu, doanh nghiệp, báo chí trong khu vực đến tham dự.

Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, Tiến sĩ Alan Bollard, khẳng định các thành viên APEC sẽ đồng hành cùng VN trong quá trình chuẩn bị và tổ chức sự kiện quan trọng này.

Trước mắt, APEC 2015 sẽ diễn ra tại Philippines từ 13-19/11 tới đây. Sau đó, Peru sẽ là nước chủ nhà của APEC 2016.

Chung Hoàng