Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á - Âu (ASEM) tại Hungary ngày 6/6, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cho rằng một số vụ việc trên Biển Đông gần đây khiến các quốc gia thêm quan ngại về an toàn, an ninh trên biển.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm Ảnh: TTXVN |
Ngoại trưởng Việt Nam khẳng định việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực và ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực, các bên liên quan cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển của LHQ năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử tại Biển Đông (DOC) nhằm gìn giữ hòa bình, ổn định khu vực và quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các nước.
Phát biểu của ông Phạm Gia Khiêm được đưa ra trong bối cảnh liên tiếp xảy ra nhiều sự cố liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Sáng 26/5, trong khi đang tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, tàu Bình Minh 02 của PVN đã bị 3 tàu hải giám số 72, 17 và 84 của Trung Quốc cắt cáp thăm dò. Vị trí mà ba tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 của PVN, chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Philippines cũng lên tiếng cho biết trong vòng chưa đầy 4 tháng qua, Manila đã có các văn bản ghi nhận 7 sự cố liên quan tới việc tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh hải tranh chấp và tấn công các tàu của Philippines.
Cả Việt Nam và Philippines đã cùng lên tiếng mạnh mẽ phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền tại khu vực biển không hề có tranh chấp của Trung Quốc.
Trong khi đó, cũng tại một phiên họp của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á - Âu, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì phát biểu rằng, mọi nỗ lực làm phức tạp tình hình Biển Đông đều là không phù hợp với lợi ích của bên nào.
Ông này nói thêm rằng, nỗ lực làm phức tạp hóa tình hình đi ngược lại với ý muốn của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước trong khu vực.
Ngoại trưởng Trung Quốc nói thêm rằng, Ông cũng kêu gọi các quốc gia châu Á, châu Âu tăng cường tin cậy lẫn nhau, hợp tác để cùng bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực, thúc đẩy phát triển bền vững, đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Tại ASEM10, Phó Thủ tướng Việt Nam đã đề xuất nhiều biện pháp cụ thể tăng cường hợp tác và nâng cao vai trò quốc tế của ASEM, trong đó có dự báo biến đổi khí hậu và cảnh báo sớm thiên tai, nước biển dâng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp và môi trường sinh thái, thiết lập mạng lưới thông tin và phối hợp để bảo đảm an toàn và an ninh trên biển, hợp tác quản lý, khai thác và sử dụng bền vững các nguồn nước đi qua nhiều lãnh thổ… Hội nghị hoan nghênh Việt Nam đăng cai “Hội nghị Bộ trưởng ASEM về lao động và việc làm lần thứ 4” trong năm 2012 và “Hội thảo ASEM không chính thức về nhân quyền” trong năm 2014.
-
Thái An