- Thượng đỉnh Mekong - Nhật Bản cuối tuần này tại Tokyo sẽ thông qua chiến lược mới cho hợp tác Mekong - Nhật Bản, hứa hẹn tiếp thêm những động lực tăng trưởng mới cho tiểu vùng sông Mekong.

Một quan chức ngoại giao Nhật Bản cho VietNamNet hay, chiến lược mới này sẽ đặt trọng tâm vào “quan hệ đối tác phát triển hạ tầng chất lượng cao”, theo đó Nhật Bản sẽ tài trợ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao của các nước Mekong, trong đó có VN, trong bối cảnh khu vực này đang khát vốn đầu tư vào hạ tầng hơn bao giờ hết. 

Theo chiến lược này, Nhật Bản cam kết sẽ tăng 25% tổng vốn vay ODA cho các dự án hạ tầng châu Á.

Tokyo cũng sẽ hỗ trợ các sáng kiến mở rộng khả năng cho vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mà Nhật giữ vai trò chi phối lên 50%.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JIBIC) sẽ tăng gấp đôi nguồn vốn tài trợ cho các dự án rủi ro cao (dự án không được chính phủ bảo lãnh).

Cuộc đua ảnh hưởng

Tháng trước, tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố sẽ rót 110 tỷ USD để giúp các nước châu Á phát triển cơ sở hạ tầng trong 5 năm tới.

Động thái này diễn ra vào đúng thời điểm 57 quốc gia, trong đó có nhiều đồng minh quan trọng của Mỹ đã nhận lời tham gia Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do TQ sáng lập. Bắc Kinh cam kết sẽ đóng góp ngay 100 tỷ USD khi AIIB ra đời. 

{keywords}

Chủ tịch TQ chụp ảnh lưu niệm với đại biểu dự lễ ký thành lập AIIB tại Bắc Kinh ngày 29/6/2015. Ảnh: Reuters

Khi được hỏi, việc bổ sung thêm trụ cột mới “Đối tác hạ tầng chất lượng cao” Nhật Bản - Mekong có liên quan gì đến động thái thành lập AIIB của TQ hay không, vị quan chức trên dù không trả lời thẳng vào câu hỏi, nhưng thừa nhận một thực tế nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng ở châu Á đang bùng nổ do quá trình tăng trưởng kinh tế chóng mặt. Nếu Nhật Bản, hay TQ không đáp ứng được đòi hỏi này, vai trò của cả hai sẽ bị suy giảm.

Tuy nhiên, trong các cuộc trao đổi riêng bên lề, các quan chức Nhật không giấu giếm mối quan ngại rằng AIIB sẽ bị biến thành công cụ phục vụ lợi ích riêng của TQ, phớt lờ các chuẩn mực quản trị mà các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới hay ADB đang tuân thủ. 

Các nhà lãnh đạo của Mỹ và Nhật diễn giải AIIB như một động thái mới nhất trong nỗ lực “viết lại luật chơi cho khu vực phát triển năng động nhất thế giới này” của TQ.

Cam kết tài trợ nguồn tiền khổng lồ cho đầu tư hạ tầng được xem như “củ cà rốt” mà TQ đang chìa ra cho khu vực. Thực tế, Bắc Kinh cũng không hề giấu giếm tham vọng biến AIIB trở thành một định chế tài chính quốc tế cạnh tranh ảnh hưởng với ADB.

Kế hoạch mới nhất của Nhật, trong đó có Chiến lược Tokyo mới 2015, dự kiến thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Mekong - Nhật Bản lần này, cho thấy Nhật sẽ tìm mọi cách kiềm chế tham vọng của TQ. 

Trong khi các dự án cơ sở hạ tầng có nguồn vốn của TQ hay bị gán mác “chất lượng thấp”, Nhật Bản nhấn mạnh cam kết sẽ đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng “chất lượng cao”, biến chúng thành cú hích cho phát triển kinh tế vùng.

Vị quan chức Nhật Bản dẫn chứng cầu Nhật Tân và nhà ga T2 của sân bay quốc tế Nội Bài mới được khánh thành đầu năm nay như một ví dụ sống động cho “đối tác phát triển hạ tầng chất lượng cao” của Nhật Bản.

Lựa chọn cho VN và khu vực

Đứng trước cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng quyết liệt giữa hai ông lớn Nhật, Trung, giới phân tích chiến lược cho rằng đây là thời điểm rất tốt để các quốc gia Đông Nam Á tận dụng nguồn đầu tư của cả Nhật và TQ để phát triển cơ sở hạ tầng. 

Châu Á đang khát vốn gần như vô hạn đối với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, như hệ quả tất yếu của sự bùng nổ về kinh tế. Mình TQ hay Nhật đều không đủ sức thoả mãn “cơn khát” này.

Theo TS Lê Hồng Hiệp (Viện nghiên cứu ISEAS, Singapore), về mặt chiến lược, “các nước trong khu vực sẽ có nhiều nguồn lực và lựa chọn hơn, đồng thời giảm thiểu nguy cơ bị phụ thuộc quá nhiều vào một cường quốc duy nhất”. 

Dễ hiểu vì sao, nhiều nước trong khu vực, trong đó có VN đã nộp đơn xin gia nhập AIIB, đồng thời vẫn tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác chiến lược với Nhật. 

Đối với riêng VN, cơ sở hạ tầng yếu kém từ lâu đã được nhận diện như một điểm nghẽn tăng trưởng. Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, trong vòng 5 năm tới, mỗi năm VN sẽ cần đến 16-17 tỷ USD đầu tư cho kết cấu hạ tầng, trong khi ngân sách chỉ có thể đáp ứng 50-60%.

Trong bối cảnh đó, việc tìm kiếm thêm các nguồn lực từ bên ngoài có ý nghĩa sống còn. Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư siêu dự án sân bay quốc tế Long Thành, trong đó Nhật Bản được xem như một đối tác hỗ trợ vốn quan trọng. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, Nhật là nhà tài trợ lớn nhất cho VN, với 19,7 tỷ USD cho giai đoạn 1992-2011, chiếm tới 30% trong tổng vốn viện trợ mà các nhà tài trợ quốc tế dành cho VN. 

Việt Lâm (từ Tokyo)