- Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đề nghị UBTVQH xác định số lượng kiểm sát viên và điều tra viên hơn 11.700 người. Trong đó, kiểm sát viên tăng hơn 1.100 người, điều tra viên tăng 120 người so với quy định hiện hành.

Hôm nay, Ủy ban Tư pháp của QH họp phiên toàn thể thẩm tra tờ trình của Viện trưởng VKSNDTC về Nghị quyết biên chế và kiểm sát viên, điều tra viên của ngành KSND; chế độ phụ cấp đối với các chức danh lãnh đạo, quản lí trong ngành; trang phục ngành, giấy chứng minh kiểm sát viên.

Kiện toàn bộ máy

VKSNDTC đề nghị UBTVQH cho phép sử dụng 15.860 biên chế. Trong đó, số lượng kiểm sát viên và điều tra viên chiếm hơn 11.700 người, tăng hơn 1.100 kiểm sát viên và 120 điều tra viên so với quy định hiện hành. 

Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hải Phong cho biết số tăng thêm này là để kiện toàn được tổ chức, bộ máy mới và thực hiện chức năng nhiệm vụ theo quy định của luật Tổ chức VKSND 2014 có hiệu lực từ 1/6 vừa qua. 

Theo ông Phong, dù biên chế của ngành không được tăng thêm nhưng do yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới và thực tiễn xuất hiện những yếu tố mới cần phải tăng thêm biên chế. Như việc hình thành thêm VKSND cấp cao, VKSND được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới, thêm vào đó là tình hình vi phạm về tội phạm hình sự ngày càng gia tăng và việc hình thành một số đơn vị hành chính cấp huyện mới.

{keywords}

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng đề nghị này chưa được lấy ý kiến của các cơ quan trung ương và Chính phủ nên chưa đủ cơ sở để thẩm tra. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng cho biết, những vấn đề liên quan đến biên chế phải có ý kiến của Bộ Chính trị và Chính phủ mới thẩm tra được.

Tăng lương phá vỡ tính hệ thống

Ngoài ra, VKSNDTC đề nghị điều chỉnh và bổ sung chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lí cho 24 vị trí trong ngành theo quy định mới. VKSND cũng đề nghị quy định chế độ tiền lương và phụ cấp đặc thù với kiểm sát viên, điều tra viên, kiểm tra viên, công chức viên chức trong ngành.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng hai đề nghị này của VKSNDTC gần như nâng hết chế độ phụ cấp.

“Trong bối cảnh hiện hành, lương và phụ cấp trong ngành KSND vẫn đảm bảo. Nếu đẩy lên cao như đề nghị của VKSNDTC sẽ phá vỡ tính hệ thống. Chúng tôi lo lắng sẽ gặp khó khăn”, bà Nga lưu ý.

Vì vậy bà Nga không tán thành đề nghị của VKSNDTC mà đồng ý với Bộ Nội vụ về việc chỉnh mức phụ cấp cho lãnh đạo, quản lí của VKSND cấp cao, trong đó có một số phụ cấp thấp hơn so với đề nghị của VKSNDTC. Đây cũng là phương án đã được nhiều cơ quan ủng hộ.

Đồng phục chưa 3 năm lại muốn đổi

Về trang phục, phù hiệu và biển tên của ngành, VKSNDTC đề  nghị bỏ quy định về hình thức, chất liệu, màu sắc, chế độ sử dụng trang phục; bỏ cành tùng đơn gắn trên ve áo lễ phục và bỏ ghi chức vụ trên biển tên. 

Lý giải về đề nghị này, ông Phong cho biết việc biển tên gắn với chức vụ như hiện nay làm cho tính cơ động, linh hoạt trong quá trình quản lí sử dụng bị hạn chế, nhất là khi được bổ nhiệm chức vụ mới lại phải thay đổi biển tên gây lãng phí. Còn màu sắc trang phục thường dùng và lễ phục của ngành hiện chưa thật phù hợp, chưa thể hiện màu sắc đặc thù của ngành. 

Có ý kiến cũng cho rằng, với trang phục hiện nay, khó phân biệt đâu là ngành công an, đâu là viện kiểm sát vì ai cũng có cành tùng.  

Không đồng tình với lí giải của VKSNDTC, bà Lê Thị Nga cho biết khi tổng kết việc thay đổi trang phục năm 2012, chính Viện cho rằng trang phục cũ chưa thể hiện tính đặc trưng của ngành, dễ nhầm lẫn với ngành khác nên đề nghị màu thế này, ve áo thế kia, đưa cành tùng vào để phân biệt.

“Thực hiện chưa đầy 3 năm, bây giờ Viện lại nói trang phục chưa phù hợp, chưa có màu sắc đặc thù, rồi đề nghị thay đổi, bỏ cành tùng. Chúng ta cứ chạy theo nhau thế này rất vất vả. Đề nghị Viện cần nghiên cứu nhất quán để làm một lần", bà Nga lưu ý.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng yêu cầu giữ nguyên như quy định hiện hành. Việc biển tên gắn chức vụ còn là cách nói rõ cán bộ, công chức đó là ai, làm gì để dân biết có điều kiện giám sát. Nếu người nào thay đổi chức vụ thì thay biển tên mới không đáng bao nhiêu. 

Thu Hằng