Trung Quốc hôm nay đã cảnh báo các nước láng giềng châu Á ngừng tìm kiếm dầu ở gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, thậm chí còn thề sẽ khẳng định chủ quyền của mình với khu vực giàu tiềm năng dầu khí ở Biển Đông bất chấp chồng lấn chủ quyền với nhiều nước khác.
Trung Quốc và Philippines đã xảy ra nhiều tranh cãi ngoại giao về quần đảo Trường Sa. Quan chức Philippines cáo buộc lực lượng Trung Quốc đã 6 lần xâm nhập vào khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền kể từ tháng 2 tới nay, và bắn vào các ngư dân Philippines trong ít nhất một vụ việc. Trong khi đó, Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc và tuyên bố chỉ sử dụng vũ lực khi bị tấn công.
Quần đảo Trường Sa là nơi được cho rằng rất giàu dự trữ dầu khí, từ lâu tồn tại quan ngại rằng sẽ là một điểm nóng có thể châm ngòi cho xung đột vũ trang ở châu Á.
Đây là một chuỗi đảo vắng vẻ, hầu như gồm các đảo không có người ở, các bãi đá ngầm… mà cả Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á đều đưa ra tuyên bố chủ quyền.
Ảnh minh họa: Yozonia
Lần đầu tiên phát biểu về những phản đối của Manila, đại sứ Trung Quốc tại Philippines Lưu Kiến Siêu đã phủ nhận về việc xâm nhập của các tàu thuyền Trung Quốc. Ông nói, Trung Quốc sẽ không bắt đầu khoan dầu ở khu vực tranh chấp và cảnh báo các bên tuyên bố chủ quyền khác ngừng mọi hoạt động thăm dò dầu khí ở vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền nếu không có sự cho phép của Bắc Kinh.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với toàn bộ Biển Đông.
"Chúng tôi đang kêu gọi các bên khác ngừng tìm kiếm khả năng khai tác các tài nguyên ở những khu vực mà Trung Quốc có chủ quyền”, ông Lưu nói với báo chí. Tuy vậy, ông này tuyên bố, Trung Quốc sẽ cởi mở để các nước tuyên bố chủ quyền khác cùng thăm dò dầu khí trong khu vực.
Khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu các nước không nghe theo Trung Quốc, ông Lưu nói rằng, Bắc Kinh sẽ khẳng định chủ quyền của họ với khu vực tranh chấp bằng biện pháp ngoại giao và không sử dụng vũ lực trừ khi bị tấn công. "Chúng tôi sẽ không bao giờ sử dụng lực lượng trừ phi chúng tôi bị tấn công”, ông cho biết.
Trong những vụ việc nghiêm trọng nhất liên quan tới tàu Trung Quốc mà Philippines đưa ra có việc tàu hải quân Trung Quốc bị cáo buộc đã bắn các ngư dân Philippines vào ngày 25/2 để đuổi họ khỏi đảo san hô Jackson mà Manila tuyên bố chủ quyền. Đảo này khá gần bờ biển của Philippines.
Chính phủ Philippines cũng cáo buộc hai tàu tuần tra Trung Quốc quấy nhiễu một tàu thăm dò dầu khí Philippines vào ngày 2/3 ở Reed Bank (Bãi cỏ rong). Philippines đã điều hai máy bay quân sự tới khu vực xảy ra vụ việc và tàu Trung Quốc đã bỏ đi.
Ông Lưu nói rằng, không có tàu Trung Quốc bắn vào ngư dân Philippines nhưng thừa nhận việc lực lượng Trung Quốc hành động với tàu thăm dò của Philippines. "Đây là một phần thực thi thẩm quyền của chúng tôi, đó không phải là quấy nhiễu”, ông Lưu khẳng định.
Ông cũng bác bỏ quan ngại của Mỹ cho rằng, tranh chấp ở Trường Sa có thể cản trở sự đi lại của các tàu thương mại ở Biển Đông. Đại sứ Trung Quốc nhấn mạnh, khu vực này vẫn yên bình.
Tranh cãi giữa Trung Quốc và Philippines về chủ quyền ở Biển Đông đã đặt ra câu hỏi về vai trò mà Washington có thể đóng góp để giải quyết tranh chấp và giúp cho một trong những lộ trình đường biển nhộn nhịp nhất thế giới được an toàn, cởi mở.
David Carden, Đại sứ Mỹ tại ASEAN trong tháng trước đã nói tại Manila rằng, các bên tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa cần tạo ra một cơ chế khu vực mạnh mẽ để giải quyết tranh chấp. Ông nói, Mỹ có thể giúp đỡ.
Tuy nhiên, ông Lưu khẳng định, Trung Quốc sẽ chỉ thảo luận về các tranh chấp bằng con đường song phương với các nước tuyên bố khác. "Mỹ không phải là một bên trong tranh chấp”, ông thậm chí nhấn mạnh, chính phủ Mỹ không nên can thiệp vào tranh chấp Biển Đông và để cho các bên tuyên bố chủ quyền giải quyết vấn đề theo cách của họ thông qua các biện pháp hòa bình. Theo vị đại sứ này thì, lợi ích của Mỹ trong khu vực là trong thương mại hàng hải và hòa bình, ổn định.
Ngày 24/5, Tân hoa xã đưa tin,
tại Thượng Hải, một giàn khoan dầu khổng lồ hoạt động ở vùng nước sâu 3.000m đã
được bàn giao cho Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC), nhà
sản xuất dầu khí ngoài khơi lớn nhất nước này. Giàn khoan dầu khổng lồ này dài
114m, rộng 90m, cao 137,8m và nặng 31.000 tấn. Với kích cỡ mặt sàn bằng sân bóng
đá chuẩn, giàn khoan này có khả năng hoạt động ngoài khơi ở độ sâu tối đa 3.000m
và khoan khoảng 12.000m chiều dài. CNOOC cho hay, giàn khoan sẽ được
lắp đặt trong vùng biển của Biển Đông và bắt đầu thăm dò dầu khí vào tháng 7. Trong một cuộc gặp ngày 27/5, bộ
Ngoại giao Philippines đã bày tỏ quan ngại với đại sứ quán Trung Quốc về các
thông tin rằng, Trung Quốc dự kiến lắp đặt giàn khoan hiện đại nhất ở Biển Đông
vào tháng 7. Bộ này yêu cầu phía Trung Quốc thông tin chính xác về vị trí lắp
đặt giàn khoan khổng lồ.