- ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đánh giá cao quy định trong luật “nhà nước không kiểm duyệt báo chí trước khi đăng và phát sóng”, đồng thời muốn luật quy định chặt chẽ hơn để tránh bị lợi dụng.

Trong cuộc phỏng vấn của VietNamNet góp ý dự thảo luật Báo chí, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh dự luật có nhiều điểm mới đẩy mạnh hoạt động hội nhập quốc tế, đề cao trách nhiệm của người làm báo.

Dự thảo luật dành một chương về đảm bảo quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận trên báo chí, bà nhận xét gì về điểm này?

Hiến pháp từ lâu quy định quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận. Nhiều trường hợp, người viết phản ánh sự thật nhưng lại động chạm đến địa phương hoặc cá nhân ai đó, người ta lại sử dụng quyền lực để can thiệp.

{keywords}
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh. Ảnh: H.Nhì

Đặc biệt để xảy ra những tình huống hành hung, đối xử thô bạo với các phóng viên, thậm chí phóng viên tác nghiệp hoàn toàn đúng luật, nhưng cũng có người hành xử thô bạo, gây tại nạn thương tích, thậm chí dùng xã hội đen để hành xử. Những chuyện như vậy phải xử lý nghiêm minh người vi phạm và công khai việc này.

Dự thảo luật nêu “nhà nước không kiểm duyệt báo chí trước khi đăng và phát sóng”, bà có quan tâm quy định này?

Tôi ủng hộ cái mới, xu hướng mới làm cho báo chí Việt Nam càng ngày càng tiếp cận với báo chí khu vực và quốc tế. Đưa ra nguyên tắc không kiểm duyệt để đảm bảo pháp luật của ta tiếp cận với quy định chung của thế giới. Điều này mở nhưng thực tiễn có nhiều vấn đề phải xem xét. Như năng lực trình độ của các nhà báo có sự không đồng đều.

Có những người thực sự tâm huyết với đất nước, có trách nhiệm cao và viết với lương tâm của mình. Nhưng cũng có người sẽ lợi dụng nghề nghiệp để làm những việc không tốt.

Do vậy, luật cần quy định chặt chẽ hơn như những trường hợp nào, tình huống nào nói rõ là không nên đăng, phải xem xét trước. Quy định mở nhưng chưa đủ chặt chẽ, khi rơi vào những người chưa đủ năng lực trình độ, thậm chí có ý đồ lợi dụng, người ta có cái cớ để lách. Theo tôi, quy định cần nghiên cứu chặt chẽ hơn để tránh sự lợi dụng.

Khi góp ý cho dự thảo luật, có ý kiến đề cập báo chí tư nhân trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin cũng như vai trò của mạng xã hội. Ý kiến của bà?

Ngày nay, bất cứ ai cũng có thể lập ra một trang mạng xã hội của riêng mình. Người ta đăng tải, dẫn đủ mọi thông tin, viết về mọi thứ trên đời, họ chia sẻ cả những bài viết, thông tin mà họ thấy hay, thích để ai thích thì đọc. Như vậy có khác gì báo tư nhân, chỉ thiếu việc không in ấn thôi.

Ở các nước có báo tư nhân nhưng Việt Nam do nhiều lý do, đặc thù nên trong bối cảnh hiện nay chưa nên. Để quản lý cho tốt, những người làm công tác quản lý báo chí cần phải có trình độ CNTT rất cao, chứ không phải như ngày xưa chỉ làm công tác tư tưởng. Đấy cũng là thách thức với các cơ quan quản lý báo chí và những người làm công tác báo chí.

Không ngăn trở nhà báo tác nghiệp

Một điểm chú ý đó là dự thảo luật có quy định trong thời gian 15 - 30 ngày, các cơ quan phải trả lời cho cơ quan báo chí để thông tin lại cho người dân. Nếu trong thời gian này các cơ quan không trả lời, cơ quan báo chí lại chuyển lên cấp cao hơn. Theo bà, quy định này có đảm bảo trách nhiệm phản hồi của các cơ quan nhà nước đối với báo chí?

Trước đây, những quy định để phòng ngừa báo chí không được thông tin sai còn rất mong manh, người viết nếu có dụng ý xấu dễ lợi dụng. Như việc đăng tin khiếu nại tố cáo theo luật báo chí hiện hành quy định rất lỏng lẻo, dễ bị lợi dụng. Như thực tiễn vừa qua các cơ quan thống kê khiếu nại tố cáo có đúng, có sai, có cái vừa đúng vừa sai, chưa rõ ràng. Nhưng báo chí vì nhanh nhạy đăng lên lại trở thành làm rối loạn thông tin.

Trong giải quyết khiếu nại tố cáo, báo chí có vai trò lớn. Tham nhũng, xâm phạm quyền và lợi ích của tổ chức cá nhân nếu không có báo chí vào cuộc sự việc có khi bị chìm xuống. Ở khía cạnh này, chúng ta dứt khoát phải đề cao báo chí.

Mấy năm trước, nhiều ĐBQH gửi thư khiếu nại tố cáo đến các cơ quan cũng chưa được giải quyết tốt. Từ khóa 11, 12 trở lại đây, mỗi khi công dân gửi thư đến và các ĐBQH gửi đi, rất nhiều cơ quan nhận thức được trách nhiệm của mình, họ phải tập hợp, giải quyết cho ĐBQH.

Khó có thể đặt hai bên so sánh nhưng các cơ quan chức năng cũng cần nhìn nhận, những vấn đề cơ quan báo chí chuyển đến cũng phản ánh tiếng nói của người dân và họ cần coi trọng tiếng nói của nhân dân để có ý thức trách nhiệm giải quyết.

Điều 34 của luật quy định “không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. Theo bà, quy định đủ mạnh để khắc phục được tình trạng hành hung nhà báo?

Quy định như vậy đảm bảo khắc phục được những tình trạng hành hung nhà báo như vừa qua. Khi luật đã quy định và phóng viên đã hành xử đúng thì các tổ chức, cá nhân không có quyền ngăn cản nhà báo tác nghiệp. Như kỳ họp QH hay phiên tòa xử công khai, phóng viên đã đến dự theo đúng quy định thì phải tạo điều kiện đưa tin, không nên đưa ra những quy định khác để ngăn trở nhà báo tác nghiệp. Những điều này trong thực tiễn tôi cũng được nghe anh em báo chí phàn nàn nhiều. Pháp luật quy định đầy đủ nhưng nhiều khi do thực hiện chưa tốt.

Thu Hằng – Hồng Nhì

VTV: Mua bản quyền game show ngoại là 'mua sáng tạo'

Đại diện Đài truyền hình VN cho hay, không nên coi việc mua chương trình là liên kết. Không nên hạn chế 10% đối với bản quyền mua định dạng của nước ngoài vì đây là mua sự "sáng tạo".

Báo chí góp phần ngăn người xu nịnh vào cấp uỷ

 Lễ trao giải Báo chí quốc gia lần thứ IX được tổ chức trang trọng để vinh danh những tác phẩm xuất sắc nhất năm 2014.

Nâng chất lượng đào tạo nhân lực báo chí

Nói trước các thầy giáo và sinh viên Học viện Báo chí tuyên truyền, Chủ tịch MTTQ VN nhấn mạnh sứ mệnh đổi mới để phát triển đội ngũ những người làm báo ngày càng mạnh hơn, chất lượng hơn.

Kinh tế là nỗi lo lớn nhất của báo chí

TGĐ Đài Truyền hình VN Trần Bình Minh chia sẻ với Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn về vấn đề kinh tế báo chí và sự "đe dọa từ truyền thông xã hội".  

Thủ tướng: Tạo điều kiện báo chí hoạt động thuận lợi

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp nghe những tâm tư của lãnh đạo các cơ quan báo chí cả nước.