Nga có lợi thế trước TQ về công nghệ quân sự suốt thời gian dài. Tuy nhiên, tài chính giờ đây thực sự là một vấn đề. Vũ khí Nga có thể sẽ gặp khó khăn trong cuộc cạnh tranh với công nghiệp quốc phòng của một TQ đang trỗi dậy.

Ngành công nghiệp quốc phòng TQ từ lâu được coi là đứng trong "cái bóng" của Nga. Trong chiến tranh Lạnh, công nghiệp Liên Xô cung cấp nền tảng cho công nghiệp quân sự TQ thông qua việc cấp phép công nghệ, chuyển giao thiết bị lắp ráp và cung cấp cố vấn.

Sau khi chiến tranh Lạnh chấm dứt, xuất khẩu công nghệ Nga đã giúp ngành công nghiệp quốc phòng TQ phát triển mạnh. Cho tới nay, công nghiệp quốc phòng TQ vẫn còn học hỏi nhiều từ Nga nhưng khá nhiều lĩnh vực TQ đã sánh bằng.

Theo các chuyên gia phân tích, trong thập niên tới, Nga và TQ có thể cạnh tranh thị phần gay gắt ở 5 lĩnh vực.

{keywords}

Máy bay Flanker của Nga. Ảnh: wordpress

 

Máy bay chiến đấu

Nếu kế hoạch của Công ty máy bay Thẩm Dương diễn ra đúng tiến trình, J-31 sẽ trở thành máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 của TQ tiến vào thị trường xuất khẩu quốc tế. Các báo cáo sơ bộ cho thấy loại máy bay này giống F-35 của Mỹ hơn là PAK-FA của Nga.

JF-17 “Thunder,” một dự án liên doanh của TQ-Pakistan dựa trên MiG-21 cũng khá thành công về mặt doanh thu. Với J-31 và JF-17, TQ có thể có nhiều khách hàng khác nhau nếu có nhu cầu đa dạng hóa phi đội máy bay chiến đấu.

Trong khi đó, Nga tiếp tục gặt hái thành công vang dội với 'gia đình Flanker', xuất khẩu rất nhiều biến thể cho các khách hàng ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, việc xuất khẩu các loại khác bị chậm lại và Nga chưa thấy lối ra với PAK-FA.

Tàu ngầm

Trong vài tháng qua, TQ lao vào công cuộc chế tạo tàu ngầm diesel-điện xuất khẩu. Với các hợp đồng đàm phán thành công với Thái Lan và Pakistan, TQ lần đầu tiên xâm nhập thị trường dưới biển.

Các nhà đóng tàu của Nga từ lâu vốn lo lắng việc chuyển giao các tàu ngầm lớp Kilo cho TQ vào những năm 1990 và 2000. Từ công nghệ học được của Nga, TQ sẽ tìm cách sản xuất loại tàu thậm chí hiệu quả hơn. Lo lắng này dường như đã thành sự thật.

Tuy nhiên, TQ không có nhiều kinh nghiệm với việc chuyển giao các tàu hiện đại cỡ lớn và Nga vẫn còn một số lợi thế. Nhưng lợi thế ấy sẽ mất dần theo thời gian.

Xe tăng

Đội ngũ thiết kế xe tăng Armata của Nga nêu rõ quan điểm rất rõ ràng là không muốn xuất khẩu xe tăng sang TQ. Nga có lý do để loại trừ một trong những nhà nhập khẩu vũ khí quan trọng nhất thế giới rất có hứng thú với Armata. Đó là ứng xử của TQ với sở hữu trí tuệ của Nga như từng làm với Su-27 Flanker và nhiều thứ khác.

{keywords}

Xe tăng Armata của Nga. Ảnh: Abcnews

 

Tuy nhiên, TQ đang tạo ra gia đình bọc thép riêng (VT-4 hoặc MBT3000) và chắc chắn sẽ cạnh tranh với Nga. Các nhà phân tích TQ lập luận, loại xe của họ sẽ vượt qua các khả năng của Armata. Nếu xe tăng TQ chứng minh được điều này, thì Nga có thể phải vật lộn trong tiêu thụ Armata nhiều như họ mong muốn.

Phòng không

TQ gần đây gây chú ý bằng việc tậu hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga. Mặc dù thỏa thuận có thể có những quy định để bảo vệ sở hữu trí tuệ Nga nhưng vẫn có lo lắng việc TQ có thể sao chép và tái sản xuất các phiên bản.

Cả TQ và Nga đều tăng tốc nỗ lực xuất khẩu công nghệ phòng không. Nga đã phát triển những kế hoạch cụ thể để chuyển giao các hệ thống SAM cho Iran và Brazil. Trong khi TQ cuối cùng đã hoàn tất thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ để cùng sản xuất hệ thống phòng không HQ-9.

Nga sẽ vẫn thành công với một số khách hàng lân cận TQ nếu họ có thể ngăn chặn sự tiếp cận của các nhà xuất khẩu phương Tây. Tuy nhiên, ở thời điểm này, TQ và Nga cùng đang cạnh tranh về phần lớn khách hàng và các sản phẩm họ đưa ra khá tương tự về những tính năng.

Tên lửa

Trong chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã chuyển giao tên lửa đạn đạo tầm ngắn cho nhiều khách hàng trên thế giới. Những thập niên gần đây, nỗ lực kiểm soát vũ khí và môi trường chính trị thay đổi đã khiến cho việc chuyển giao này chậm lại.

{keywords}

Tên lửa DF41 của TQ. Ảnh: THX

 

Tuy nhiên, phần lớn việc xuất khẩu tên lửa hành trình diễn ra khá ngang bằng. Cả TQ và Nga đã xuất khẩu tên lửa hành trình trong nhiều thập niên. Mặc dù các hệ thống của TQ tụt hậu so với Nga, nhưng họ đã không ngừng đầu tư công sức để phát triển các loại tên lửa hành trình hiện đại trong thập niên qua.

Một lần nữa, Nga lại có lợi thế về vị trí địa lý chiến lược khi rất nhiều khách hàng tiềm năng ở Đông Nam Á lo ngại TQ. Dù vậy, Nga và TQ có thể phải cạnh tranh trong việc chinh phục khách hàng châu Phi và Mỹ Latinh.

Nga có lợi thế trước TQ trong công nghệ quân sự suốt thời gian dài. Tuy nhiên, tài chính giờ đây thực sự là một vấn đề. Vũ khí Nga có thể sẽ gặp khó khăn trong cuộc cạnh tranh với công nghiệp quốc phòng của một TQ đang trỗi dậy.

Thái An (Theo nationalinterest)