- Việc kê biên hoặc phong tỏa tài sản của Giang Kim Đạt ở Singapore không khó, có thuận lợi là Singapore giúp đỡ và Interpol vào cuộc.
Bộ CA bắt được kẻ tham ô
19 triệu USD tại Vinashin
Tài sản tham nhũng được đưa vào cổ phiếu, cá độ
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị triển khai nhiệm vụ của Ban Nội chính TƯ hôm nay, Phó trưởng Ban Phạm Anh Tuấn đánh giá cao việc cơ quan an ninh điều tra bắt được Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh của công ty TNHH Một thành viên Vận tải Viễn Dương Vinashin, người đã tham ô 18,6 triệu USD rồi bỏ trốn sang Singpore.
"Nếu các cơ quan tố tụng không kiên trì, kiên quyết làm vụ này thì xã hội sẽ không biết, không ai nghĩ một cán bộ rất ít tuổi, cấp trưởng phòng, sống chìm như thế mà dễ dàng tham nhũng, tham ô một khối lượng tài sản quá lớn, không thể chấp nhận được", ông Tuấn lo rằng đây không phải trường hợp duy nhất.
Phó trưởng Ban Nội chính TƯ Phạm Anh Tuấn |
Hy vọng đây sẽ là tiền đề, phát súng đột phá trong thu hồi tài sản tham nhũng, Phó trưởng Ban Nội chính TƯ cũng chỉ ra "cái mắc" hiện nay là thu hồi tài sản của kẻ tham nhũng người VN nhưng mua ở nước ngoài.
"Mắc ở chỗ giữa VN và quốc gia đó có ký kết hiệp định tương trợ tư pháp không, trong đó có nội dung kê biên, phong tỏa tài sản, tài khoản, mỗi nước lại có pháp luật riêng", ông Phạm Anh Tuấn nói.
"Nhưng cũng rất may là hiện số quốc gia tham gia Công ước LHQ về chống tham nhũng tương đối đông, mà Công ước này cũng có nội dung về thu hồi tài sản. Ví dụ kê biên tài sản của người tham nhũng theo yêu cầu của quốc gia có người tham nhũng chạy đến, hoặc phong tỏa tài sản ở các ngân hàng của người đó hoặc người thân của họ theo yêu cầu của quốc gia đó".
Việc kê biên hoặc phong tỏa tài sản của Giang Kim Đạt ở Singapore, theo ông Tuấn là không khó, thuận lợi là có sự đồng tình, giúp đỡ của Singapore và sự vào cuộc của Interpol.
Nhiều cách biến hóa tài sản
Phó trưởng Ban Nội chính TƯ cũng đồng tình rằng thủ đoạn chuyển hóa tài sản tham nhũng qua tên bố mẹ như trường hợp Giang Kim Đạt là tương đối phổ biến.
"Họ chẳng dại gì trực tiếp đứng ra giao dịch, hay đứng tên mình trong giao dịch, vì là người có chức vụ, quyền hạn, hàng năm họ đều phải kê khai tài sản. Nếu đứng tên mình với những tài sản lộ liễu thì sẽ bị đặt câu hỏi về thu nhập chính thức".
Ông Phạm Anh Tuấn thừa nhận những kẻ tham nhũng có nhiều hình thức pháp lý khác nhau để tẩu tán, biến hóa tài sản tham nhũng.
"Về mặt chủ quan chúng ta đều cảm nhận được, nhưng để kết luận có đúng tài sản này được hình thành từ tham nhũng không thì phải có quy định pháp lý rất chặt chẽ. Chống tham nhũng quyết liệt nhưng cũng phải thận trọng, tránh oan sai".
Nhưng từ chuyện Giang Kim Đạt là cán bộ bình thường mà tài sản khủng, Phó trưởng Ban Nội chính TƯ nhìn nhận cơ chế kiểm soát từ hai góc độ: Thứ nhất, phải xem lại cơ chế quản lý kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp.
Thứ hai là xem lại cơ chế kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn một cách minh bạch, công khai, đã đi vào cuộc sống nhưng chưa phát huy hiệu quả.
"Phải kiểm soát cho chặt chẽ chứ một trưởng phòng kinh doanh không lớn mà tham ô dễ dàng 18,6 triệu USD, một số tiền lớn có thể xóa đói giảm nghèo, làm bao nhiêu việc có ích cho xã hội", ông Phạm Anh Tuấn nói.
Ông khẳng định vụ Vinashin vẫn nằm trong diện Ban chỉ đạo TƯ phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Chung Hoàng - Hồng Nhì (ghi)