LHQ đã cung cấp cho Campuchia thông tin liên quan trước yêu cầu của Thủ tướng Campuchia Hun Sen về việc mượn bản đồ gốc phân định biên giới mà LHQ lưu trữ.
LHQ đã trả lời đề nghị của Thủ tướng Campuchia Hun Sen về việc mượn bản đồ phân định biên giới. Ảnh: Asiaone |
Đài VOA hôm qua dẫn lời bà Eri Kaneko, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon, nói rằng: “Chúng tôi đã cung cấp cho Campuchia thông tin có liên quan mà chúng tôi tìm thấy. Chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm các tài liệu quan trọng mà chính phủ Campuchia yêu cầu”.
Bà Kaneko không nói chi tiết về các loại tài liệu mà LHQ đã chuyển giao cho phía Campuchia.
Trong bức thư ngày 6/7, ông Hun Sen đề nghị LHQ cho mượn bản đồ gốc nhằm kiểm tra tính xác thực của bản đồ Phnom Penh đang sử dụng để xác định biên giới với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Hun Sen, cố quốc vương Norodom Sihanouk đã gửi LHQ bản đồ Bonne, tỷ lệ 1:100.000, do Cơ quan Địa lý Đông Dương phát hành và được quốc tế công nhận. Đề nghị của ông Hun Sen là để thể hiện sự thận trọng và đúng đắn của Campuchia trong việc phân định biên giới giữa nước này với các quốc gia láng giềng.
Động thái này diễn ra sau khi đảng đối lập Campuchia CNRP cáo buộc chính phủ Campuchia sử dụng những tấm bản đồ do VN vẽ ra trong những năm 1980.
Vào ngày 28/6, một nhóm khoảng 250 người Campuchia với sự tham gia của một số nghị sĩ đảng đối lập Campuchia CNRP đã tiến sâu vào khu vực mốc 203 do VN quản lý thuộc địa bàn tỉnh Long An.
Lực lượng chức năng VN và một số người dân địa phương đã ra ngăn chặn, giải thích nhưng bị một số phần tử quá khích người Campuchia tấn công, khiến 7 người VN bị thương.
Phản ứng về sự việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình hôm 30/6 nêu rõ: “Chúng tôi phê phán mạnh mẽ hành động bạo lực do một số phần tử quá khích người Campuchia gây ra, vi phạm pháp luật của cả hai nước, các hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận giữa VN và Campuchia, ảnh hưởng đến tiến trình phân giới cắm mốc cũng như quan hệ tốt đẹp giữa VN và Campuchia".
Vào ngày 16/7, nhóm công tác liên hợp VN - Campuchia đã đến kiểm tra khu vực xảy ra xô xát ngày 28/6.
Sau khi kết thúc làm việc trên thực địa, hai bên tiến hành hội đàm tại tỉnh Svay Rieng, Campuchia và nhất trí kiên quyết không để sự việc tương tự ngày 28/6 tái diễn, đồng thời khẳng định tôn trọng các hiệp ước và hiệp định đã ký kết và thông cáo báo chí chung ký ngày 17/1/1995.
Thái An tổng hợp