- Tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) giữa kỳ năm 2011 tại Hà Tĩnh, đại diện Chính phủ cùng các nhà tài trợ đánh hiệu quả sau gần 4 tháng thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nêu ra trong Nghị quyết 11 của Chính phủ.

CPI bắt đầu giảm

Phát biểu tại hội nghị diễn ra ngày 9/6, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết, tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng 5/2011 tăng 2,21% so với tháng trước, thấp hơn so với tốc độ tăng 3,32% của tháng 4. So với tháng 12/2010, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2011 tăng 12,07%. Bình quân chỉ số giá 5 tháng đầu năm 2011 tăng 15,09% so với cùng kỳ năm 2010.

Theo ông Sinh, đây là kết quả có được nhờ thực hiện chính sách tiền tệchính sách tài khóa thắt chặt. Tuy vậy, các chính sách này lại đang ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 5,6%, thấp hơn tốc độ tăng 6 tháng đầu năm 2010 (6,16%).

Nhập siêu vẫn chưa được kiềm chế với con số của 5 tháng đầu năm 2011 ước xấp xỉ 6,6 tỷ USD, bằng khoảng 19% kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mục tiêu đề ra là dưới 16%. Ước tính nhập siêu 6 tháng đầu năm 2011 khoảng 7,5 tỷ USD, bằng 18% kim ngạch xuất khẩu.

Đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết 11, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, ông Deepak Mishra, cũng nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm nay có thể chỉ đạt mức thấp trong khoảng dự đoán của Chính phủ. Dự đoán mà đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra cho tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2011 6-6,5%.

Ông Mishra cũng dự báo lạm phát sẽ đạt ngưỡng vào tháng 6 (khoảng 22%) rồi giảm dần xuống còn khoảng 15% vào tháng 12. Chuyên gia kinh tế này kiến nghị Việt Nam kiên trì thực kiện Nghị quyết 11 cho đến khi giảm được lạm phát xuống một con số.

Hội nghị CG giữa kỳ năm nay được tổ chức tại thành phố Hà Tĩnh. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Cắt giảm gần 80.000 tỉ đồng đầu tư công

Thứ trưởng Cao Viết Sinh cũng nhấn mạnh đến các biện pháp cắt giảm đầu tư công như không ứng trước vốn ngân sách nhà nước (NSNN), trái phiếu Chính phủ (TPCP) năm 2012 cho các dự án, không kéo dài thời gian thực hiện các dự án năm 2011, loại bỏ các dự án kém hiệu quả, đầu tư dàn trải, giảm tối thiểu 10% kế hoạch tín dụng đầu tư từ nguồn vốn tín dụng nhà nước, không khởi công các công trình, dự án mới sử dụng vốn NSNN và TPCP...

Kết quả, tổng số vốn đầu tư của nhà nước đã cắt giảm trong năm 2011 là 79.262 tỷ đồng, trong đó, vốn trái phiếu Chính phủ năm 2011 giảm 21.000 tỷ đồng so với thực hiện năm 2010; giảm khoảng 8.450 tỷ đồng do không ứng vốn đầu tư năm 2012, không kéo dài thời gian giải ngân vốn kế hoạch năm 2010; vốn NSNN, TPCP kế hoạch năm 2011 cắt giảm để điều chuyển cho các dự án hoàn thành, các dự án cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ là 7.600 tỷ đồng; vốn các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cắt giảm là 39.212 tỷ đồng; vốn tín dụng kế hoạch năm 2011 giảm 10% là 3.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết thêm, bội chi ngân sách năm 2010 đã giảm từ 6,2% GDP xuống còn 5,6%, nhờ trên cơ sở số vượt thu ngân sách, Chính phủ đã dành 8.500 tỷ đồng để tăng chi trả nợ nợ Chính phủ và nợ công. Chính phủ đặt mục tiêu năm 2011 giảm bội chi ngân sách xuống dưới mức 5% GDP.

Doanh nghiệp nhà nước phải bình đẳng với các thành phần kinh tế khác

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận xét về hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Theo ông Sinh, tuy có nhiều đóng góp cho nền kinh tế nhưng các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa phát huy được lợi thế của doanh nghiệp có quy mô lớn, hiệu quả hoạt động vẫn chưa tương xứng với điều kiện và đầu tư.

"Một số tập đoàn, tổng công ty đã huy động quá nhiều vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh sang cả những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, ít liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của mình như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản..., dẫn đến tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cao, ảnh hưởng không tốt đến năng lực tài chính và hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp", ông Sinh nhận định.

Sự lúng túng trong quản lý, kiểm tra, giám sát các công ty con, tiến độ cổ phần hóa chậm so với yêu cầu, chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước còn phân tán, chồng chéo nên trách nhiệm trong quản lý chưa rõ ràng, thiếu một cơ quan đầu mối theo dõi, tổng hợp chung dẫn đến hệ thống thông tin về các DNNN thiếu đồng bộ, công tác giám sát đối với DNNN nói chung và các tập đoàn, tổng công ty lớn nói riêng trong thời gian qua chưa thực sự hiệu quả..., cũng là những hạn chế trong hoạt động của các DNNN trong thời gian qua.

Ông Sinh nhấn mạnh cần có cơ chế giám sát hiệu quả và khung pháp lý đồng bộ để DNNN nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh. "Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của DNNN theo tinh thần Luật Doanh nghiệp 2005, tạo sự bình đẳng với các thành phần kinh tế khác", ông Sinh nói.

Chung Hoàng