Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế
Stockholm (SIPRI) đã công bố báo cáo cập nhật hàng năm về chi tiêu quân sự trên
thế giới. Trong năm 2010, chi tiêu toàn cầu ước tính ở mức 1.630 tỉ USD, tăng
1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo SIPRI, đây là mức tăng hàng năm nhỏ nhất kể từ 2001 và nguyên nhân cơ bản là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Mỹ tiếp tục dẫn dầu danh sách chi tiêu lớn nhất, với “thị phần” trong chi tiêu quân sự toàn cầu gia tăng ở mức đáng kinh ngạc là 43%. Bốn thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an LHQ vẫn ở sau với khoảng cách đáng kể, gồm Trung Quốc đứng thứ hai (7%) tiếp theo là Anh, Pháp và Nga vào khoảng 4%.
Ảnh: Diplomat
Con số của Trung Quốc là khá thú vị. Mặc dù thế giới hiện tại nói rất nhiều về sức mạnh quân sự đang trỗi dậy cùng đội quân lớn nhất thế giới của Trung Quốc – khoảng 2,25 triệu binh lính, thì mức chi tiêu quân sự của họ lại cách xa so với Mỹ.
Lý do chính dễ nhận thấy: khác với Mỹ, Trung Quốc tham gia ít sứ mệnh gìn giữ hòa bình quốc tế hay các cuộc can thiệp quân sự, và không có hàng trăm căn cứ quân sự ở khắp thế giới. Thay vào đó, quân đội Trung Quốc chủ yếu hoạt động ở phạm vi trong nước và trong ít trường hợp là hoạt động khu vực.
Tuy nhiên, trong hơn 20 năm qua, ước tính ngân sách quốc phòng hàng năm của Trung Quốc tăng đều đặn từ 17 tỉ USD năm 1990 lến 114 tỉ USD năm 2010. Trong tháng 3, chính phủ nước này tuyên bố gia tăng chi tiêu quân sự lên gần 13% trong năm nay.
Theo các tuyên bố chính thức, trọng tâm chi tiêu là tăng lương cho binh lính, hiện đại hóa trang thiết bị và vũ khí. Tuy nhiên, mức gia tăng hai con số nói trên cũng cho thấy rằng, Trung Quốc đang ngày càng sẵn sàng tăng tốc để trở thành một đối thủ tiềm năng với Mỹ.
Cho tới khi họ sẵn sàng làm vậy, thì trọng tâm cơ bản với Trung Quốc dường như vẫn là khu vực châu Á, và cách để giúp họ thay đổi cân bằng quyền lực là tăng cường tham gia vào những sứ mệnh gìn giữa hòa bình – sứ mệnh đòi hỏi thậm chí phải tiếp tục tăng hơn nữa chi tiêu quân sự.
Hiện nay, ngân sách quân sự hàng năm của Trung Quốc chiếm khoảng 2,2% GDP, so với mức 4,7% của Mỹ. Trong thực tế, tính theo tỉ lệ GDP thì thậm chí Trung Quốc tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong GDP nói chung thì cũng mới chỉ bằng 1/3 ngân sách quốc phòng Mỹ.
Các con số trên cho thấy rằng, trở thành một siêu cường quân sự trên thế giới vẫn là mục tiêu xa vời của Trung Quốc. Trong khi đó, nước này sẽ phải tiếp tục tìm kiếm, khám phá những con đường thay thế để trở thành “đối trọng” với Mỹ, dù là về quân sự hay ngoại giao.
-
Thụy Phương (Theo Diplomat)