Các bức điện tín mật của ngoại giao Mỹ mà WikiLeaks tiết lộ cho thấy rõ hơn quan điểm và những lo ngại về hai nhân vật được cho là sẽ lãnh đạo Trung Quốc từ năm 2012.

Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường - những người mà giới phân tích tin rằng sẽ đảm nhận cương vị Chủ tịch và Thủ tướng Trung Quốc sắp tới - đã có các bữa tối riêng biệt với Đại sứ Mỹ Clark Randt vào tháng 3/2007.

Cả hai đều rất tự hào về những tiến bộ kinh tế ở các khu vực họ từng làm quản lý. Ông Tập có vẻ là một người hâm mộ phim chiến tranh của Mỹ, trong khi ông Lý nói, lo lắng lớn nhất của người dân chính là nạn tham nhũng.

Ở thời điểm ông Tập làm Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang thì ông Lý cũng giữ cương vị tương tự tại tỉnh Liêu Ninh. Cả hai ông giờ đây đều là thành viên trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc. 

Theo nội dung một bức điện tín bị rò rỉ, ông Tập Cận Bình đã có cuộc trao đổi “thẳng thắn và thân thiện” với ông Randt, phần lớn tập trung vào sự phát triển kinh tế ở Chiết Giang.

Bức điện tín gửi về Washington cho hay, ông Tập nói rằng, người dân lo lắng nhất về giáo dục, nhà ở và y tế đồng thời cũng lo về “phong cách làm việc của quan chức chính phủ và quan chức đảng”. Tuy nhiên, ông Tập – thành viên tổ chức đảng với 70 triệu người, cũng nhấn mạnh: “Không nên ngạc nhiên nếu vài nghìn người có thể có vấn đề”.

Là người ưa thích bộ phim Giải cứu binh nhì Ryan, ông Tập đã nói rằng, ông thích các bộ phim Hollywood về Thế chiến II. Ông mô tả những bộ phim này rất “hoành tráng và chân thực”.

Trong một bức điện tín khác, ông Lý Khắc Cường được mô tả là người “thông thạo và rất hiểu biết”, ông đã trao đổi với đại sứ Mỹ về các nỗ lực của mình để nâng cao mức sống người dân, bao gồm cả chính sách đảm bảo cho mỗi thành viên trong mỗi hộ gia đình tại Liêu Ninh có một việc làm.

Theo bức điện tín, ông Lý cho rằng, điều làm người dân tức giận nhất đó là tham nhũng, rằng quan chức địa phương đã có chuyến đi tới nhà tù, gặp gỡ những quan tham bị bắt giam để hiểu rõ sự rủi ro của tham nhũng. Ông Lý còn mô tả một số thống kê kinh tế của chính phủ là “do con người tạo ra”, rằng ông thường sử dụng các thông về về mức cho vay, vận chuyển đường sắt và tiêu dùng năng lượng để đánh giá tăng trưởng.

Trong cuộc trao đổi với đại sứ Mỹ, ông Lý nói không nhiều về sở thích của mình.

Mỹ lo lắng về vai trò Trung Quốc ở châu Phi

Washington đã theo dõi chặt chẽ việc Trung Quốc mở rộng vai trò tại châu lục đen, những bức điện tín mật mới nhất được công bố cho biết như vậy.

Một bức điện tín hồi tháng 2 dẫn lời quan chức cấp cao của Mỹ tại thủ đô Lagos ở Nigeria mô tả, Trung Quốc rất năng nổ hoạt động ở châu Phi.

Cho tới thời điểm này, WikiLeaks đã tung ra hơn 1.100 trong tổng số 251.000 bức điện tín mật của Mỹ. Theo nhà phân tích, tài liệu mới nhất đã cung cấp một cái nhìn của Washington với Bắc Kinh tại châu Phi.

Bức điện tín do Guardian xuất bản, dẫn lời Johnnie Carson, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề châu Phi, người đã có cuộc gặp với các đại diện những công ty dầu mỏ tại Lagos.

Ông mô tả, Trung Quốc như “một đối thủ cạnh tranh kinh tế rất hùng hổ. Trung Quốc không phải ở châu Phi vì những lý do vị tha. Trung Quốc ở châu Phi trước hết là vì Trung Quốc”. Ông nhấn mạnh: “Một lý do thứ hai cho sự hiện diện của Trung Quốc tại khu vực này là đảm bảo những lá phiếu bầu trong Liên hợp quốc từ các nước châu Phi”.

Theo nội dung bức điện tín, Carson lập luận rằng, hiện tại, Trung Quốc không bị coi là mối đe dọa an ninh hay quân sự với Washington. Nhưng cũng khuyến cáo Mỹ cần chú ý. "Họ có ký các thoả thuận căn cứ quân sự? Họ có huấn luyện quân đội? Họ có phát triển hoạt động tình báo? Và Mỹ sẽ bắt đầu cần lo lắng”, ông nói.

Một bức điện tín khác cũng đề cập tới việc Trung Quốc hỗ trợ tình báo và quân sự cho chính phủ Kenya.

WikiLeaks tuyên bố có ý định đưa ra toàn bộ số điện tín mật mà họ nắm giữ, cho dù phải mất nhiều tháng để thực hiện. Động thái này bị Mỹ và nhiều nước khác lên án.

Thái An (Theo BBC, Guardian)