- Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt vấn đề về đối sách ngoại giao của VN trong quan hệ với các nước lớn, nhất là TQ.

Hôm nay, Bộ Ngoại giao tổ chức hội thảo khoa học để “ôn cố tri tân” những đóng góp của ngành trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc kể từ ngày thành lập 28/8 cách đây 70 năm.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị nhấn mạnh ngành ngoại giao VN đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc trước kia cũng như sự nghiệp đổi mới, hội nhập, và bảo vệ an ninh Tổ quốc hiện nay. Ngoại giao cũng góp phần to lớn trong việc củng cố và nâng cao vị thế của VN trên trường quốc tế.

{keywords}
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh

“Những thành quả đó bắt nguồn từ sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập; từ những nỗ lực phi thường và sự hy sinh phấn đấu của biết bao thế hệ cán bộ ngoại giao; từ sự phối hợp, hợp đồng tác chiến nhịp nhàng và chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương trong suốt 70 năm qua”, ông Phạm Bình Minh nói.

Bảo vệ Tổ quốc từ xa

Trung tướng, TS Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng trong tham luận chỉ ra tiến trình VN tham gia hội nhập kinh tế quốc tế là cuộc đấu tranh gay gắt không chỉ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội mà cả chính trị, quốc phòng, an ninh. 

{keywords}
Trung tướng Nguyễn Đức Hải

Đảng luôn xác định nhiệm vụ của ngoại giao là giữ gìn môi trường hòa bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

"Hiện nay quan điểm quốc phòng toàn dân toàn diện không chỉ nhằm đối phó với chiến tranh, mà trong thời bình chủ yếu là đối phó với âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình, các thách thức phi truyền thống, đối phó với nguy cơ trong nước. 

Ngoại giao không chỉ duy trì các mối quan hệ truyền thống và mở rộng ra địa bàn mới, mà còn phải tham mưu cho Đảng, nhà nước kịp thời, xử lý khôn khéo, tế nhị và thận trọng những tình huống ngoại giao mới xuất hiện trong quan hệ với những khu vực phức tạp, nhạy cảm", Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng nói.

Ông Nguyễn Đức Hải dùng khái niệm "bảo vệ Tổ quốc từ xa" để nhấn mạnh phương châm của ngoại giao, nhấn mạnh đối ngoại phải gắn bó chặt chẽ với quốc phòng và an ninh trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều yếu tố phức tạp tiềm ẩn.

{keywords}
Thiếu tướng Lê Văn Cương

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược bộ Công an, chia sẻ quan điểm: "Để bảo vệ Tổ quốc, cần xây dựng quân đội, công an, sắm vũ khí. Nhưng để đẩy lùi nguy cơ thì mặt trận ngoại giao là đi đầu, bằng cách sáng suốt, thông minh khi thiết kế các quan hệ ngoại giao".

Đối ngoại với Trung Quốc, Mỹ là quan tâm số một

GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế TƯ nhấn mạnh hai mối quan hệ chi phối chính sách đối ngoại của VN là quan hệ với TQ và Mỹ.

{keywords}
GS. Võ Đại Lược

"Chính sách của ta với hai cường quốc lớn này cần phải là mối quan tâm số một của dân tộc ta. Nếu ra lệch đi trong xử sự với hai mối quan hệ này thì ta có vấn đề, ảnh hưởng đến cả đối nội. Vì đối ngoại và đối nội hiện này là một", ông Võ Đại Lược nói.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng phải có cách nghĩ mới, phù hợp với xu thế quan hệ quốc tế đang phát triển và thay đổi nhanh chóng.

{keywords}
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

"Trong bối cảnh thế giới hiện nay, ta bảo vệ lợi ích dân tộc nhưng cũng phải theo phương châm cùng thắng với các đối tác. Đồng thời tôn trọng nguyên tắc có đi có lại, đối tác đối xử với ta thế này, ta không thể nói một đằng làm một nẻo", ông Lê Đăng Doanh nói.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng trăn trở ngoại giao phải giúp đất nước thoát khỏi "hội chứng" với Mỹ và phương Tây để thực sự hội nhập và phát triển. 

Theo đó, bà thực tâm muốn ngành ngoại giao góp phần làm sòng phẳng quan hệ của VN với TQ, sòng phẳng với lịch sử và hiện tại, để không trở thành trở ngại lớn đối với sự phát triển của VN. 

"Cứ để người dân không hiểu nổi thái độ của ta thế nào với TQ, khi có sự cố sẽ rất khó huy động lực lượng toàn dân", bà Phạm Chi Lan nói.

{keywords}
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Ông Lê Đăng Doanh và Lê Văn Cương chung ý kiến phải đẩy mạnh ngoại giao nhân dân, đặc biệt là trên môi trường mạng internet, để cân bằng quan hệ của VN với các nước, đặc biệt là với TQ.

Bài và ảnh: Chung Hoàng