Nguồn tin từ quân đội Philippines hôm nay cho hay, Mỹ lên kế hoạch tăng cường số lượng các cuộc tập trận quân sự, diễn tập nhân đạo ở châu Á - Thái Bình Dương như một phần trong chiến lược mới nhằm đối phó với sự mở rộng nhanh chóng của TQ ở Biển Đông.
Ảnh: asian-defence |
Restituto Padilla, phát ngôn viên quân đội Philippines nói với báo giới rằng, tài liệu nói trên đã phác thảo các hành động của Mỹ ở Biển Đông và Hoa Đông, tập trung vào đảm bảo "tự do trên các vùng biển", ngăn chặn xung đột, áp chế cũng như thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế.
TQ đưa ra yêu sách chủ quyền bao trùm phần lớn Biển Đông bất chấp sự chồng lấn với các nước Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.
Theo một quan chức quân sự có mặt trong cuộc gặp giữa ông Harris và Iriberri, Mỹ và Philippines sẽ gia tăng quy mô, tần suất cũng như mức độ phức tạp của các cuộc tập trận trong khu vực.
Tuần trước, Lầu Năm Góc cho biết, kể từ khi bắt đầu việc xây đảo nhân tạo từ các bãi ngầm chiếm giữ trái phép ở Biển Đông vào tháng 12/2013, tính đến tháng 6/2015, TQ đã bồi lấn trên biển được hơn 1.170ha. TQ nói rằng, các tiền đồn xây dựng trên đảo nhân tạo ở Biển Đông phục vụ cho mục đích dân sự cũng như quân sự.
Úc, Ấn bắt tay
Ở một tin tức khác, trước các hoạt động ngày càng gia tăng của TQ ở Ấn Độ Dương, Ấn Độ và Australia sẽ tập trung vào vấn đề tác chiến chống ngầm trong cuộc tập trận hải quân chung lần đầu tiên vào tháng tới.
Cuộc tập trận diễn ra ở cảng Visakhapatnam của Ấn Độ, gần nơi TQ từng triển khai một tàu ngầm hạt nhân lần đầu tiên vào năm ngoái. "Căng thẳng an ninh có khả năng gia tăng ở Ấn Độ Dương", Sheldon Williams, cố vấn quốc phòng của Cao ủy Australia ở New Delhi nói. “Chúng ta ở ngã ba Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Chúng ta có trách nhiệm về an ninh nơi này".
Australia sẽ điều động máy bay do thám chống ngầm P-3, một tàu ngầm Collins và các tàu khu trục còn Ấn Độ triển khai các tài sản có cả máy bay chóng ngầm tầm xa P-8 tham gia tập trận.
Một tháng sau đó, ở vùng biển tương tự, Ấn Độ và Mỹ sẽ tiến hành tập trận - như Đại sứ Mỹ tại New Delhi, Richard Verma, mô tả là phức tạp nhất giữa hai nước. Nhật Bản được mời tham dự.
TQ đang bước chân vào một khu vực mà về truyền thống nằm trong vùng ảnh hưởng của Ấn Độ. Họ xây dựng các cầu cảng ở Pakistan và Sri Lanka, cũng như hệ thống dẫn dầu tới bờ biển của Myanmar.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình cũng đã vận động Maldives, Seychelles và Sri Lanka tham gia dự án thương mại Con đường Tơ lụa phiên bản hàng hải. Đáng báo động nhất với Ấn Độ là việc TQ triển khai tàu ngầm ở gần vùng biển nước này.
Thái An (theo Reuters, Bloomberg)