Tại Washington, Thượng nghị sĩ Jim Webb (đảng Dân chủ) - Chủ tịch Tiểu ban các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ đã có buổi nói chuyện về chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á. Sự kiện này do Hội đồng Đối ngoại Mỹ tổ chức.

Chúng tôi xin giới thiệu nội dung buổi trao đổi này

Tôi cho rằng, hàng loạt sự kiện gần đây đã thu hút rất nhiều mối quan tâm từ quan điểm của Mỹ và quan điểm của nhiều nước khác ở Đông Á đối với sự ổn định khu vực. Như chúng ta đã biết, khi Liên Xô sụp đổ, cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc và các ảnh hưởng khác trong khu vực, đặc biệt là sự lớn mạnh của quân đội mà chúng ta có thể thấy rõ trong các hoạt động hải quân; sự xao nhãng của Mỹ sau sự kiện 11/9 về vấn đề châu Á, đã khiến chúng ta phải làm việc, rất khó khăn để vượt qua quá khứ - đặc biệt trong năm năm qua - để đảm bảo rằng, các quốc gia trong khu vực - tất cả các nước trong khu vực - biết rõ tầm quan trọng thế nào về sự hiện diện diện của Mỹ trong khía cạnh duy trì sự ổn định.

Thượng nghị sĩ Jim Webb Ảnh: Wordpress

Một điều rất quan trọng với Mỹ là duy trì ảnh hưởng của chúng ta, các đối tác chiến lược, kinh tế, văn hóa và quân sự của chúng ta. Ở đây có ba lĩnh vực khác nhau mà tôi tin là Mỹ cần tập trung và duy trì thế mạnh.

Từ chuyện Biển Đông…

Thứ nhất là các hệ thống căn cứ của chúng ta ở Đông Á, và đặc biệt là điều chỉnh hệ thống căn cứ ở Nhật Bản, cụ thể ở đây là Okinawa và đề xuất chuyển một số căn cứ tới Guam.

Hai vấn đề khác mà tôi tin là Mỹ vẫn cần phải rất mạnh mẽ và tích cực là trong các vấn đề chủ quyền ở Biển Đông và vấn đề chủ quyền nước trên đất liền Đông Nam Á. Trong nhiều năm, những người hoạt động tích cực trong khu vực đều biết điều này. Đó là có nhiều tranh cãi, diễn tả đúng hơn là tranh cãi quân sự, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trong một khu vực rộng lớn, khu vực địa lý cách rất xa đất liền Trung Quốc - quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong một năm rưỡi qua, họ đã trở nên mạnh mẽ hơn nhiều trước đây.

Khoảng 14-15 tháng trước, họ có một sự cố với người Nhật tại quần đảo Senkaku - thuộc quyền quản lý hợp pháp của Nhật. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với quần đảo này giống như rất nhiều đảo, quần đảo khác trong khu vực gây nên tranh cãi ngoại giao nghiêm trọng hai tới ba tuần lễ giữa hai nước. Thực sự là tôi phải nói rằng, tôi nhớ lại chiến dịch tranh cử thượng viện năm 2006, trong cuộc tranh luận cuối cùng với đối thủ, chúng tôi được phép mỗi người đưa ra một câu hỏi với người còn lại. Và tôi đã hỏi ông ta, ông nghĩ chúng ta nên làm gì về quần đảo Senkaku?. Đó là một khoảnh khắc thú vị, tôi thấy phía sau khán giả, có một phòng báo chí, và tất cả máy tính đều sáng lên, tôi có thể thấy phóng viên tra cứu google cụm từ "quần đảo Senkaku".

Nhưng còn có một vấn đề rất nghiêm trọng và đang diễn ra, nó đã bùng nổ khoảng một năm trước. Chúng ta đã nhìn thấy chuyện tương tự trong vấn đề chủ quyền với việc Trung Quốc sử dụng tàu quân sự hoặc tàu an ninh hàng hải ở vùng biển của Philippines. Và sau đó, rất đáng lo âu, giữa 26/5 và 9/6, chúng ta thấy hai vụ việc xảy ra với các tàu an ninh hàng hải kết hợp với tàu cá trang bị tinh vi ở vùng biển mà quốc tế công nhận là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tôi có ý định đệ trình một nghị quyết kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các kiểu hành đông quân sự và đi tới bàn đàm phán đa phương, làm việc để giải quyết các vấn đề chủ quyền. Tôi nghĩ chúng ta quá yếu ớt trong việc đưa ra quan điểm khi chúng ta nói chính phủ Mỹ không có quan điểm về vấn đề chủ quyền.

Không đưa ra quan điểm chính là thể hiện một quan điểm. Chúng ta nên làm việc trong một diễn đàn đa phương để giải quyết các vấn đề này. Ở đây không chỉ là vấn đề an ninh, mà còn là tương lai kinh tế, chúng ta cần thực hiện phần của chúng ta để cân bằng lực lượng nhằm đưa các vấn đề lên bàn đàm phán.

Tới dòng Mekong

Có một vấn đề tương tự trong khía cạnh vấn đề chủ quyền nước trên lục địa Đông Nam Á. Ví dụ sinh động nhất là tiểu vùng sông Mekong. Tất cả mọi người nhìn vào khu vực này và đặc biệt là nhìn vào Trung Quốc, đều biết rằng có những vấn đề nước nghiêm trọng trong khu vực. Tôi tin là nó cũng không kém phần quan trọng so với vấn đề chủ quyền.

Chúng tôi đã nỗ lực làm việc về vấn đề này, nhất là Ngoại trưởng Clinton trong sáng kiến sông Mekong.

Vùng hạ nguồn Mekong với khoảng 70 triệu người mà sinh kế và môi trường hiện này đang bị đe dọa bởi những đập thủy điện xây dựng ở thượng nguồn. Những đập này ngăn chặn dòng chảy xuống hạ nguồn, tăng tính mặn và đe dọa nghiêm trọng phong tục tập quán lịch sử mà những người dân trong khu vực trải qua bao đời nay.

Nó trở nên phức tạp hơn bởi hai thực tế. Đầu tiên là, Trung Quốc là một trong số ít quốc gia trên thế giới không công nhận quyền nước hạ nguồn. Nên không có sự tương đồng để thảo luận. Thứ hai là Trung Quốc thích kiểu giải quyết theo cách song phương hơn là đa phương. Và không có nước Đông Nam Á nào ở vùng hạ nguồn có đủ sức mạnh để tới bàn đàm phán, mặt đối mặt với Trung Quốc và nói về các quyền nước.

Vì vậy, một lần nữa, điều rất quan trọng với chúng ta là Mỹ cần bước tiếp theo cách mang những giải pháp đa phương cho các vấn đề mà có thể sẽ gây ra những khó khăn rất lớn trong tương lai nếu không được xử lý.

Vì thế, mục tiêu của chúng ta – tương lai của chúng ta trong khu vực là khuyến khích tham gia đa phương. Tôi tin rằng, sự tăng trưởng của ASEAN là một trong những dấu hiệu đáng khích lệ nhất mà tôi chứng kiến trong 10 năm qua. 650 triệu người ở các nước ASEAN, họ đã trở nên quan trọng hơn nhiều trong các cách thức ngoại giao và kinh tế khác nhau trong khu vực. Và còn cần đảm bảo để các quốc gia khác trong khu vực biết rằng, như Ngoại trưởng Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Gates đều nói năm ngoái, là chúng ta không chỉ ở lại khu vực mà còn tăng cường tham gia trong khu vực vì lợi ích quan trọng của Mỹ và vì lợi ích của các nước khác trong khu vực.

* Tiếp theo là phần hỏi đáp giữa Thượng nghị sĩ Jim Webb với Jim Sciutto, phóng viên đối ngoại cấp cao của ABC News. Hỏi đáp xoay quanh chính sách của Mỹ với Trung Quốc, với Đông Nam Á.

  • Thái An (Theo cfr)