- Chủ tịch nước lưu ý chiến tranh mạng đã trở nên hiện hữu, các thế lực thù địch luôn dùng mọi thủ đoạn thu tin, mã thám, mua chuộc, cài cắm, móc nối vào nội bộ nhằm đánh cắp thông tin bí mật nhà nước.

>> Bí mật của vị Bộ trưởng gần 30 năm 'ngoài Đảng'

Sáng nay, tại Hà Nội, Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Cơ yếu Việt Nam và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2.

{keywords}
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gắn Huân chương Hồ Chí Minh lần 2 lên lá cờ truyền thống của ngành Cơ yếu. Ảnh VOV

Cách đây 70 năm, sau Cách mạng tháng Tám, công tác bảo vệ bí mật nội dung thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang trở thành một yêu cầu hết sức quan trọng và cấp bách.

Ngày 12/9/1945, tổ chức mật mã đầu tiên được thành lập tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của ngành Cơ yếu.

Trải qua 70 năm, Cơ yếu đã trở thành một ngành khoa học kỹ thuật cơ mật đặc biệt.

Thế lực thù địch luôn tìm cách lấy thông tin bí mật nhà nước

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương những chiến công xuất sắc của ngành thời gian qua, góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và viễn thông, các thế lực thù địch luôn dùng mọi thủ đoạn thu tin, mã thám, mua chuộc, cài cắm, móc nối vào nội bộ nhằm đánh cắp thông tin bí mật nhà nước”.

{keywords}
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. ảnh VOV

Chủ tịch nước lưu ý chiến tranh mạng đặt ra cho ngành Cơ yếu nhiều thách thức to lớn và những yêu cầu mới trong việc bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong mọi tình huống.

Theo Chủ tịch nước, ngành Cơ yếu là một ngành khoa học kỹ thuật cơ mật, đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia cần được ưu tiên đầu tư. Cần khẩn trương huy động tiềm lực khoa học công nghệ trong cả nước để nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các trang thiết bị mật mã Việt Nam với công nghệ tiên tiến.

Đồng thời, ngành cần tiếp tục phát huy vai trò của lực lượng chuyên trách bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước những nội dung liên quan đến định hướng, chiến lược phát triển trong lĩnh vực bảo mật, an toàn thông tin quốc gia.

Chủ tịch nước yêu cầu Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu Việt Nam làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc…

Ngành Cơ yếu cần phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng Công an, Quân đội, Ngoại giao, Thông tin - Truyền thông trong việc bảo vệ an toàn, an ninh thông tin và bí mật nhà nước.

PV