- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đưa nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến, hiện đại, nâng cao tiềm lực quốc phòng - an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sáng 15/9, Tổng cục công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Từ ngành quân giới thô sơ

Tổng cục Công nghiệp quốc phòng với tiền thân phòng quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập cách đây 70 năm có khởi điểm đầy khó khăn: không có các cơ sở sản xuất cơ khí chế tạo, không có công nghệ, kỹ thuật sản xuất và vật tư, thiết bị, nguyên liệu cốt yếu.

Nhưng nhiều nhà trí thức, khoa học trẻ, tài năng như Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm, Võ Quý Huân..., đông đảo các tầng lớp nhân dân, công nhân đã tự nguyện đóng góp sức người, sức của xây dựng các cơ sở sản xuất vũ khí cho cách mạng. 

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm binh công xưởng ra đời, sản xuất các loại vũ khí, trang thiết bị phục vụ kịp thời cho quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi lễ kỷ niệm 70 năm Tổng cục quốc phòng. Ảnh: VGP

Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân xâm lược, ngành quân giới đã tập trung cải tiến, sửa chữa, sản xuất và cung cấp cho chiến trường hàng vạn tấn vũ khí, trang bị phù hợp với cách đánh của các lực lượng vũ trang (trong đó có nhiều loại vũ khí tiên tiến như súng, đạn Ba-dô-ka, AT, SKZ...

Tiếp đó là những bước phát triển về nghiên cứu, cải tiến thành công nhiều loại vũ khí, trang bị của các nước bạn viện trợ để sử dụng phù hợp với điều kiện chiến trường và cách đánh của Việt Nam; trong đó có việc cải tiến các loại vũ khí, khí tài phòng không, sửa chữa, cải biên các vũ khí thu được của địch, chi viện kịp thời cho các chiến trường.

Ngành quân giới mà ngày nay là Tổng cục công nghiệp quốc phòng đang nỗ lực phát triển tiếp cận khoa học công nghệ trình độ tiên tiến, hiện đại; tập trung đầu tư trọng điểm cho các sản phẩm mũi nhọn; tăng tính lưỡng dụng trong phát triển công nghiệp quốc phòng...

Hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng

Đến dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta có nhiều thuận lợi những cũng còn không ít khó khăn, thách thức. 

Nhiệm vụ đặt ra đối với quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp quốc phòng nói riêng là hết sức nặng nề.

Thủ tướng lưu ý cần tập trung xây dựng nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến, hiện đại, góp phần quan trọng, thiết thực nâng cao tiềm lực quốc phòng - an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cùng với đó là đẩy mạnh đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng; sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, chú trọng việc ứng dụng, từng bước làm chủ và sáng tạo khoa học công nghệ quốc phòng hiện đại.

Bám sát thực tiễn chiến đấu, huấn luyện, nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu trong tình hình mới. 

Xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về chính trị, nắm vững khoa học quân sự, hiểu biết thực tiễn, có tư duy chiến lược sắc sảo, giỏi về khoa học công nghệ. Chú trọng đào tạo cán bộ khoa học công nghiệp quốc phòng, nhất là đội ngũ cán bộ thiết kế và công nghệ các ngành đặc thù.

Nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, hiệu quả khoa học công nghệ quân sự tiên tiến trên thế giới. Tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ khoa học chất lượng cao, công nhân kỹ thuật lành nghề...

Linh Thư