Quan điểm của ông Nguyễn Thiện Nhân nêu ra tại hội nghị đối thoại chính sách dân số và phát triển bền vững sáng 17/9. Trong một bài phát biểu ở hội nghị dài hiếm hoi, tới 22 trang, Chủ tịch MTTQ dẫn những bài học thiếu hụt lao động của các nước phát triển bị tác động nghiêm trọng của tình trạng thiếu hụt dân số.
GS Nhân dẫn ngay bài học của Đức, nước phát triển đầu tàu châu Âu, thiếu hụt lao động trầm trọng đến mức phải sử dụng tới 7 triệu lao động nước ngoài để duy trì nền kinh tế. Thiếu lao động nên độ tuổi nghỉ hưu của người lao động Đức cũng bị kéo dài đến 67 tuổi.
Nhìn vào thực tiễn VN, Chủ tịch MTTQ cho rằng đã đến lúc VN cần phải thay đổi chính sách dân số.
“Không phải đẻ ít là tốt. Đẻ ít có lợi cho mình, có lợi cho đất nước thì tốt nhưng đẻ ít mà không đảm bảo tỉ lệ suất sinh thay thế thì đấy là vấn đề”, ông nhấn mạnh.
Theo GS Nhân, VN phát triển bền vững lâu dài cần có lực lượng lao động hợp lý để duy trì tăng trưởng. Muốn vậy phải duy trì được suất sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ trong cuộc đời. Tức trong một gia đình phải có 2 người lao động thay thế khi bố mẹ về hưu.
Ông cho rằng, bài học từ các nước cho thấy quyền có con không chỉ chuyện cá nhân mà là chuyện của cả dân tộc. Quyền sinh đẻ phải đi đôi với nhận thức về tác động đối với xã hội và quốc gia như thế nào.
TS Khuất Thu Hồng: 'luật khuyến khích công nghệ sinh sản'? |
Từ đó, Chủ tịch MTTQ VN đề nghị không nên có chính sách tiếp tục giảm sinh. Thay vào đó khuyến khích người dân có quyền lựa chọn sinh đẻ.
Bà Ritsu Nacken, quyền trưởng đại diện Qũy dân số LHQ tại VN (UNFPA) cũng khuyến nghị VN không cần tiếp tục chính sách giảm mức sinh hay kiểm soát dân số.
Góp ý cho dự thảo luật Dân số, TS Khuất Thu Hồng cho rằng luật đặt ra vấn đề vô sinh rất nhiều, trong khi đây không phải là vấn đề của dân số VN.
“Tôi có cảm giác luật này mở đường cho công nghệ sinh sản sắp tới. Không cẩn thận việc này bị lạm dụng cho sức khỏe sinh sản của người dân”.
Thu Hằng - Ảnh: Minh Thăng