- GS Nguyễn Lân Dũng đề nghị chống tình trạng "anh hùng núp", công an núp gầm cầu, gốc cây để xử phạt rồi lấy tiền đút túi" của người vi phạm giao thông.

Nhận định tại hội nghị góp ý dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt do MTTQ VN tổ chức sáng 24/9, GS Nguyễn Lân Dũng phản ánh tình trạng cùng một luật mà nơi có giao thông an toàn, nơi không an toàn.

{keywords}
GS Nguyễn Lân Dũng

Hà Nội là thủ đô nhưng xe máy lấn làn chạy trước mặt ô tô trong khi Đà Nẵng thì giao thông rất ngay ngắn, không có chuyện xe máy lấn làn đứng trước mặt xe ô tô. 

Hà Nội càng lạ hơn khi tình trạng phạt người lương thiện nhưng lại bỏ qua kẻ "đầu gấu", xăm trổ, tóc nhuộm xanh đỏ chở ba, vượt đèn đỏ không bao giờ công an phạt.

Theo ông, tình trạng công an nhận tiền người vi phạm đút túi truyền hình quay cụ thể nhưng lại ít ai bị phạt. Chính tình trạng này làm ảnh hưởng hình ảnh ngành công an. Bộ Công an từng có lần đề nghị chuyển xử phạt giao thông sang Bộ GTVT.

"Tôi đề nghị nghiên cứu việc này để làm thế nào chống tình trạng "anh hùng núp", công an núp gầm cầu, gốc cây để xử phạt rồi lấy tiền đút túi", ông nhấn mạnh.

Ông cũng nhấn mạnh để giảm vi phạm giao thông, quan trọng vẫn là công tác tuyên truyền để dân hiểu vi phạm giao thông là sai, là bị phạt. "Đừng nghĩ phạt tiền nhiều thì giải quyết được tai nạn giao thông", ông lưu ý.

Dẫn thẳng vào việc phạt nồng độ cồn, GS Dũng cho rằng thói quen uống bia rượu của dân hiện nay chưa thay đổi nhưng Nghị định quy định nồng độ cồn rất thấp đã bị phạt, chỉ cần uống một chai bia là bị phạt nặng. Như thế100% người từ quán bia ra đều bị phạt. 

"Lương hiện nay rất thấp, cơ quan tôi lương tiến sỹ chỉ 4-5 triệu mà phạt vi phạm nồng độ cồn phạt đến cả chục triệu thì tiền đâu dân đóng phạt. Liệu mức phạt này có khả thi không?" - ông đặt câu hỏi 

Bán hết lúa không đủ tiền phạt

Một trong những mục tiêu của dự thảo nghị định đó là tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm giao thông có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng.

{keywords}
Ông Hoàng Thế Tùng giới thiệu dự thảo Nghị định tại hội nghị. Ảnh T.Hằng

Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, ủy viên Hội đồng Tư vấn về Tôn giáo cho rằng, những người đi xe đánh võng, lạng lách dễ gây tai nạn giao thông nhưng chỉ phạt 250.000 là quá nhẹ. Trong khi nông dân phơi thóc lúa ra đường lại phạt lên đến 500.000 có khi bán hết số lúa đó không đủ tiền đóng phạt.

Giải đáp các ý kiến góp ý, ông Khuất Việt Hùng, phó Chủ tịch thường trực ủy ban ATGT quốc gia cho biết, dự thảo chỉ quy định phạt nặng những hành vi mang tính uy hiếp trực tiếp đến ATGT. 

Nồng độ cồn chỉ phạt nặng từ mức 2 trở lên: từ 8 - 12 triệu đồng với người có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí.

"Phạt thì thương, nhưng khi tai nạn xảy ra thì không thể thương được nữa”, ông Hùng nhấn mạnh. 

Ông lấy ví dụ việc phạt nặng hành vi chở quá tải vì có những con đường hàng ngàn tỷ đồng nhưng chỉ vì xe quá tải mà 90% giá trị con đường bị hủy hoại. Xe quá tải không chỉ gây tai nạn giao thông mà còn hủy hoại kinh tế nghiêm trọng.

Về việc "xử phạt đút túi", ông Hùng chia sẻ, "chúng tôi rất hiểu yêu cầu của xã hội là làm sao bảo đảm phạt nghiêm,hạn chế tối đa tiêu cực, bảo đảm tiền xử phạt phải vào ngân sách nhà nước. Muốn thế phải tăng cường minh bạch bằng cách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin”.

Thu Hằng