- "Đã để tự do, không cấm, tạo mọi điều kiện hoạt động hội, thì nhà nước phải có cách quản lý tất cả các hội" - ý kiến chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc về luật lập Hội.
Dự thảo luật về Hội do Bộ Nội vụ trình trước UB Thường vụ QH hôm nay không áp dụng đối với MTTQ VN, công đoàn VN, đoàn Thanh niên CS HCM, hội Nông dân VN, hội Cựu chiến binh VN, hội Liên hiệp Phụ nữ VN; các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng; các hội không có tư cách pháp nhân như hội đồng niên, đồng ngũ, đồng môn, dòng họ…
Vẫn còn mở, can thiệp quá sâu
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc muốn luật phải quản lý được hết các hội, kể cả những hội không có pháp nhân.
"Họ tự thành lập và hoạt động với nhau, rất đông, như hội dân oan, hội khiếu kiện... Ta quản lý thế nào, hay để tự phát? Đã để tự do, không cấm, tạo mọi điều kiện hoạt động hội, thì nhà nước phải có cách quản lý tất cả các hội".
Ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKTVN cũng đồng tình "các hội lớn nhỏ đều phải quản lý để có thể xử lý mặt tiêu cực".
Ông Nghiêm Vũ Khải. |
"Hội ở VN khả năng hành chính hoá rất cao, chưa phát huy dân chủ, dễ bị lợi dụng. Có chủ tịch, phó chủ tịch nhân danh hội có hành vi ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, đáng lẽ hội viên phải lên tiếng.
Phải nghiên cứu phát huy dân chủ, có quản lý và giảm xu thế hành chính hoá trong hoạt động của hội", ông Nghiêm Vũ Khải nói.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng hội có hai mặt, trong đó mặt tiêu cực là "đường dẫn xuất" về đa nguyên đa đảng nên không được mơ hồ chỗ này, không nên áp dụng máy móc cách lập hội của các nước phát triển.
Ông kiến nghị quản lý hội phải chặt chẽ, công khai nhưng kỷ cương, đặc biệt cần công nhận người đứng đầu các hội, nếu không là sẽ lộn xộn.
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng quy định tại dự thảo luật có nội dung can thiệp quá sâu vào nội bộ của hội và không khả thi.
Như việc kiểm tra việc thực hiện điều lệ hội đối với các hội hay hướng dẫn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức làm công tác quản lý hội. Đánh giá chung, ông Sơn cho rằng quy định của dự thảo luật vẫn còn quá mở.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng nhận định "tình hình hội đang tràn lan, hoạt động không cao, hành chính hoá lớn, dựa vào kinh phí nhà nước cũng lớn".
"Bên cạnh đó có loại không mang tên hội nhưng hoạt động như hội, có tính chính trị. Nên tính, loại ích nước lợi nhà thì nên khuyến khích, đó chính là quyền tự do lập hội của công dân, để xây dựng và phát triển đất nước", ông Hùng nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Hội ích nước lợi nhà thì nên khuyến khích |
Một trong các vấn đề Chính phủ tách riêng xin ý kiến là việc người nước ngoài sinh sống và làm việc hợp pháp tại VN tham gia hội.
Chủ tịch QH cho rằng, luật bám Nghị định 45 quá nên chưa toát lên tinh thần Hiến pháp 2013 như quy định "người nước ngoài sống lâu đời tại VN mà luật này không nói gì cho họ lập hội thì họ buồn lắm".
Không hoạt động liên tục 6 tháng bị đình chỉ
Theo dư thảo luật, các hành vi bị cấm gồm cản trở công dân, pháp nhân VN thực hiện quyền lập hội; ép buộc, cưỡng ép, xúi giục, lôi kéo, kích động, mua chuộc công dân, pháp nhân VN thành lập, tổ chức và hoạt động trái pháp luật; thành lập, tổ chức các hoạt động của hội trái pháp luật.
Luật quy định một loạt hành vi bị cấm như lợi dụng việc thành lập, hoạt động của hội để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, cộng đồng; gây phương hại đến lợi ích, chủ quyền, an ninh quốc gia, an toàn xã hội, khối đại đoàn kết dân tộc, quyền con người, quyền công dân; xúc phạm đến hình ảnh danh nhân, anh hùng dân tộc...
Các hội tùy theo phạm vi hoạt động, chịu sự quản lý của Bộ trưởng Nội vụ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc cấp huyện.
Hội hoạt động thuộc lĩnh vực nào cũngphải chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước về ngành, lĩnh vực đó.
Người đứng đầu hội do ban lãnh đạo hội bầu, nhưng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và bãi nhiệm.
Hội sẽ bị đình chỉ hoạt động nếu hai năm liên tiếp không báo cáo các cơ quan quản lý, không hoạt động liên tục trong sáu tháng...