- Tổng Bí thư nhấn mạnh, đối với các trường hợp tự ứng cử, cũng phải có quy trình thật chặt chẽ, đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Quy định rõ việc gì được làm, việc gì không được làm trong vận động bầu cử; tránh tình trạng "vận động" không lành mạnh.
Một trong những nội dung của hội nghị Ban chấp hành TƯ lần thứ 12 (khóa XI)
đó là xem xét phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp
nhiệm kỳ tới. Trong bài phát biểu bế mạc hội nghị hôm nay, Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng cho biết, Ban Chấp hành TƯ ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực của Đảng
đoàn Quốc hội và các cơ quan, đơn vị có liên quan đã khẩn trương nghiên cứu,
tổng kết, xây dựng Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và bầu cử đại biểu
Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Đồng tình về cơ bản với những đề xuất nêu trong Tờ trình của Đảng đoàn Quốc hội,
Tổng Bí thư cho hay hội nghị nhấn mạnh: cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại
biểu Hội đồng nhân dân các cấp lần này tiếp tục được tổ chức vào cùng một ngày
trên phạm vi cả nước, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tích
cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tiếp tục đẩy mạnh đổi
mới toàn diện và đồng bộ, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các luật về tổ chức bộ máy nhà
nước mới được ban hành.
Tổng Bí thư: Gắn kết quả nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp. Ảnh: VGP |
TƯ cho hay, để bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra, ngày bầu cử thực sự trở thành ngày hội của toàn dân, cần phát huy cao độ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp uỷ đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị từ TƯ đến cơ sở; sự hưởng ứng, tích cực tham gia, phát huy đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân của cử tri cả nước.
Phấn đấu bầu đủ 500 ĐBQH
Tổng Bí thư cho hay, TƯ nhấn mạnh phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu ra những
đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại
diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đúng tiêu
chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại
biểu là ưu tiên hàng đầu, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Phấn đấu bầu đủ
500 đại biểu Quốc hội và đạt tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách theo đúng quy
định của Luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm
2015.
Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành bầu cử, phải quán triệt thực hiện nghiêm
túc chủ trương của Đảng về bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ trong các cơ quan nhà
nước ở TƯ và địa phương; gắn kết quả nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và quy
hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng
nhân dân các cấp.
Tiêu chuẩn người ứng cử, đề cử bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân
dân phải căn cứ vào tiêu chuẩn được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ
chức chính quyền địa phương và tiêu chuẩn cán bộ được quy định trong Chiến lược
công tác cán bộ của Đảng.
Ngoài những tiêu chuẩn chung, người ứng cử làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách còn phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, lĩnh vực chuyên môn, vị trí công tác và độ tuổi theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức.
Riêng đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, cần đáp ứng yêu cầu cao về phẩm
chất chính trị, nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng; am hiểu pháp luật và có
năng lực xây dựng pháp luật; có trình độ chuyên môn sâu và kiến thức thực tiễn.
Trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại
biểu Hội đồng nhân dân các khoá gần đây và ý kiến đóng góp của TƯ, nhất là về
những hạn chế, khuyết điểm, cần có những điều chỉnh, bổ sung cụ thể, chặt chẽ
các quy định về trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị
phụ trách tổ chức bầu cử; quy trình đề cử, ứng cử; việc phân bổ người ứng cử đại
biểu Quốc hội do TƯ giới thiệu; việc thẩm định hồ sơ người tự ứng cử đại biểu
Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; việc tuyên truyền, vận động bầu cử; giải
quyết khiếu nại tố cáo
"Đối với các trường hợp tự ứng cử, cũng phải có quy trình thật chặt chẽ, đúng
quy định của Hiến pháp và pháp luật. Quy định rõ việc gì được làm, việc gì không
được làm trong vận động bầu cử; tránh tình trạng "vận động" không lành mạnh" -
Tổng Bí thư lưu ý.
Căn cứ vào Nghị quyết hội nghị TƯ lần này, Bộ Chính trị sẽ ban hành Chỉ thị về
vấn đề này; chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội khẩn trương hoàn chỉnh Đề án để tổ chức
thực hiện, bảo đảm chuẩn bị và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội
và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Trình TƯ, Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định TPP
Trong bài phát biểu bế mạc hội nghị TƯ 12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay, về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, hội nghị nhất trí cho rằng, đất nước ta bước vào năm 2016, năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng với thế và lực mới. Kinh nghiệm của nhiệm kỳ khoá XI cho thấy, để làm được điều này, cần quan tâm
bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu
lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất
lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển văn hoá, thực hiện
tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và
cải thiện đời sống nhân dân. Chú trọng thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững, phát triển văn hoá - xã hội, xây dựng con người. Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt là lành mạnh hoá và bảo đảm cân đối thu - chi ngân sách nhà nước, giảm dần bội chi, kiểm soát nợ công thật sự an toàn. Kiên quyết, kiên trì xử lý nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém, nâng
cao độ an toàn, tin cậy của hệ thống các ngân hàng thương mại; đồng thời nâng
cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát huy tinh thần khởi nghiệp, làm kinh tế của toàn xã hội, của các thành phần kinh tế; phát huy cao độ nội lực, tranh thủ tối đa ngoại lực, vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, thuận lợi có được từ hội nhập quốc tế. Khẩn trương chuẩn bị báo cáo trình TƯ, Quốc hội xem xét, quyết định phương án chuẩn bị chính thức ký kết, phê chuẩn, triển khai thực hiện Hiệp định TPP, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc. |
L.Thư