- Người dân có thể sử dụng các dịch vụ công ích điện tử, chỉ cần điền và gửi trực tiếp các văn bản đề nghị đến các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

Dịch vụ công trực tuyến kết nối cả nước

Tại buổi họp báo hôm nay về triển khai nghị quyết 36a xây dựng Chính phủ điện tử, Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cho hay, sau một thời gian thử nghiệm kết nối, liên thông hệ thống quản lý văn bản giả lập của VPCP với hệ thống của TP.HCM và một số tỉnh thành khác, tính đến ngày hôm qua, đã có 27 UBND tỉnh, thành phố và 3 bộ đã kết nối. 

Trong đó, 1 bộ và 19 địa phương đã liên thông gửi nhận văn bản và phản hồi trạng thái xử lý.

Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, theo lộ trình được Thủ tướng phê duyệt tại nghị quyết 36a, đến hết năm 2016 các bộ, ngành trung ương sẽ có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến.

Theo đó, người dân có thể sử dụng các dịch vụ công ích điện tử, chỉ cần điền và gửi trực tiếp các văn bản đề nghị đến các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

Lộ trình dự tính hết năm 2016, một số dịch vụ công phổ biến liên quan nhiều tới người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến (nếu có).

Phó chủ nhiệm VPCP cho biết, trước mắt triển khai nghị quyết 36a sẽ ưu tiên chọn lĩnh vực là những điểm nóng như đất đai, xây dựng, giao thông, môi trường.

Cụ thể, các thông tin được đưa lên “Chính phủ một cửa” được hệ thống theo 8 nhóm: văn bản điện tử; tích hợp dịch vụ công; đăng ký kinh doanh; quản lý đất đai - xây dựng; bảo hiểm y tế; visa; điều khiển tín hiệu giao thông; đo đếm điện tử thông minh.

Sẽ không giống đề án 112

Trước mục tiêu tham vọng của nghị quyết 36a, báo chí lo lắng về "vết xe đổ" như đề án Chính phủ điện tử 112 từng thất bại trước đây. 

Ông Lê Mạnh Hà khẳng định ngay, sẽ không xảy ra tình trạng thất bại như đề án 112 trước đây.

{keywords}
Nhà 8B Lê Trực. Ảnh: Phạm Hải

Theo ông Hà, đề án 112 do VPCP thực hiện hơn 10 năm trước đây sở dĩ thất bại là do ứng dụng CNTT thời điểm đó còn thấp; VPCP trực tiếp đứng ra “làm CNTT” như mua sắm thiết bị, đào tạo cán bộ, đào tạo CNTT…

“Nhiệm vụ của VPCP là kết nối các hệ thống này lại với nhau chứ không phải làm CNTT. Chúng tôi rút ra được kinh nghiệm từ sự thất bại của đề án 112; không áp đặt cách làm chủ quan của VPCP trong đề án này” – Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà nói. 

Tiết kiệm ngân sách 5-10 ngàn tỷ đồng

Đánh giá hiệu quả khi xây dựng Chính phủ điện tử, ông Hà cho hay, ngoài những mục tiêu quan trọng còn giảm thiểu chi phí cho người dân.

Ông Hà lấy ví dụ, ở lĩnh vực bảo hiểm y tế, chi phí mỗi năm ngốn từ 50 - 60.000 tỷ đồng; trong đó chi phí “rơi vãi” vài chục %.

Lấy ví dụ khác, ông Hà nói sẽ không có những vụ việc sai phạm như vụ 8B Lê Trực vì nếu các thông tin dự án, hồ sơ dự án được đưa lên Chính phủ điện tử, người dân, báo chí sẽ giám sát và phát hiện ra những sai phạm đó từ đầu.

Kiên Trung