- Tại phiên họp sáng 26/10 thảo luận về dự thảo bộ luật Tố tụng Dân sự sửa đổi, các ĐBQH vẫn còn ý kiến khác nhau về quy định "tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng".
ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) tán thành vì đây là nội dung rất mới, bảo đảm công dân có quyền yêu cầu tòa án bảo vệ lẽ phải và lợi ích chính đáng của mình, không để người dân tự xử ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.
ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) đồng tình, nếu tòa án từ chối giải quyết các tranh chấp dân sự vì lý do chưa có điều luật cụ thể thì không có cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết, dẫn đến không bảo đảm được trật tự an toàn xã hội, không bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Phó đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh. Ảnh: Cổng TTĐT QH |
Phó đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh cho hay, các mối quan hệ kinh tế xã hội luôn vận động, phát triển nên sẽ có thời điểm pháp luật chưa theo kịp để điều chỉnh các quan hệ kinh tế xã hội mới phát sinh.
Lúc này trách nhiệm thuộc về Nhà nước, không thể đẩy trách nhiệm về phía nhân dân để nói rằng vì chưa có điều luật áp dụng nên từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự.
"Chúng ta phải nhất quán quan điểm dù trong điều kiện nào, hoàn cảnh nào thì Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đó mới đúng là bản chất của nhà nước chúng ta", ông Vinh nói.
Trong khi đó, Phó đoàn ĐBQH Hà Nội Chu Sơn Hà cho rằng, nếu giao cho thẩm phán quyền vận dụng lẽ phải, nghĩa là ủy quyền cho thẩm phán làm luật, xác định lẽ công bằng để giải quyết vụ án.
"Bây giờ sơ thẩm cho thế là lẽ công bằng, lên phúc thẩm không phải lẽ công bằng lại hủy, cuối cùng người dân lại một vòng tố tụng nữa", ông Chu Sơn Hà nói dù thừa nhận khả năng thực tế xảy ra ít.
ĐB Trần Đình Nhã. Ảnh: Cổng TTĐT QH |
ĐB Trần Đình Nhã (Thừa Thiên - Huế) thẳng thắn xây dựng nhà nước pháp quyền, tức là một nhà nước thượng tôn pháp luật, trong đó người dân được làm những điều mà pháp luật không cấm, còn cơ quan nhà nước, kể cả tòa án, cán bộ công chức Nhà nước chỉ được làm những điều pháp luật quy định.
Ông Nhã cho rằng cần suy xét rất thận trọng, và nếu QH còn băn khoăn thì chưa nên giao việc này cho tất cả các tòa án.
"Chúng ta chưa có tòa án Hiến pháp tôi đề nghị giao cho Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Khi xuất hiện những việc này thì các tòa án không được quyền từ chối, chuyển lên Tòa án nhân dân tối cao và Hội đồng thẩm phán sẽ xem xét và phán quyết", ông Trần Đình Nhã nói.
Chung Hoàng