- ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng khi đề xuất thành lập “phố nhạy cảm”, sẽ có rất nhiều cán bộ, công chức không dám đến mà chỉ thích hoạt động ngầm.

Quản lý được công chức

Trước việc Cục Phòng chống tệ nạn TP.HCM đề xuất thí điểm “phố nhạy cảm”, trao đổi bên hành lang QH sáng nay, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết, ông ủng hộ chủ trương vì vừa hạn chế được các tệ nạn xã hội, bảo vệ được phụ nữ và vừa bảo vệ thuần phong mỹ tục

“Ở ta không muốn công nhận, không thích công nhận nhưng thực tế lan tràn khắp nơi và bất lực không thể ngăn chặn được, hiện trạng ngày càng tăng. 

Những người trực tiếp hành nghề không được bảo vệ, bị các ma cô, đầu gấu bắt nạt, ức hiếp, không được bảo vệ sức khoẻ từ đó ảnh hưởng sức khoẻ cộng đồng vì không có giám sát”, ĐB Nghĩa nêu thực tế.

{keywords}
 ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Khi gom thành "phố nhạy cảm" sẽ có rất nhiều người không dám lui tới, đặc biệt là các cán bộ công chức. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo ĐB, Việt Nam đã chấp nhận nhà nước pháp quyền, chấp nhận hội nhập, chấp nhận đất nước văn minh lên thì phải chấp nhận có khu phố riêng để quản lý các hoạt động nhạy cảm. Nhiều nước trên thế giới đã làm, ngay như Cuba cũng đã áp dụng.

“Chúng ta nên học tập kinh nghiệm của các nước, còn cách làm thì phải có đề án một cách khoa học, có sự chuẩn bị tâm lý, chuẩn bị dư luận và phải có nghiên cứu cho phù hợp với đặc điểm, tâm lý của con người Việt Nam”, ông Nghĩa đề xuất.

Ông Nghĩa cho rằng, khi gom lại để quản lý sẽ có rất nhiều người không dám lui tới các con phố này, đặc biệt là các cán bộ công chức.

Đồng quan điểm, ĐB Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của QH dẫn chứng, nhiều nước khi đưa hoạt động nhạy cảm vào khu phố để quản lý, không những quản lý được người hành nghề mà còn quản lý được cả cán bộ công chức.

“Nếu cán bộ công chức "mon men" đi vào khu đó, có nghĩa là có vấn đề”, ông Tiến nói.

Tuy nhiên ông Tiến cho rằng cán bộ công chức “lách” rất giỏi. 

“Vừa rồi Hải Phòng rộ lên chuyện ở Đồ Sơn, nhiều người nói làm như thế có thuận lợi, đặc biệt với các tỉnh có khách du lịch nước ngoài. Chúng ta cũng quản lý được cán bộ công chức đi xe biển xanh qua đó nhưng cái dở là người ta sẽ lách luật rất nhiều, thay biển xe...”, ĐB nêu.

Ông Tiến lưu ý, cần phải nghiên cứu kỹ các giải pháp vì nếu thả lỏng như hiện nay, tình trạng hút sách, mại dâm khắp các gốc cây, góc phố thì còn hại hơn rồi, phụ nữ Việt Nam chạy sang các nước biên giới như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan... để hành nghề và chúng ta cũng không thể quản lý được.

Công khai để không dấm dúi

Xung quanh những tranh cãi về tên gọi “phố nhạy cảm” hay “đèn đỏ”, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) khẳng định đó chỉ là về mặt từ nghữ. Bản chất là như nhau. Bản chất như thế nào mới là quan trọng. 

"Theo tôi, phải gọi đúng cái tên theo bản chất, không nên né tránh”, ông nói.

Ông Vinh cho biết ông ủng hộ đề xuất của TP.HCM cần phải có những khu đó để quản lý chắc chắn, ngoài khu đó ra thì phải xử lý hình sự.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nhấn mạnh, mại dâm đã tồn tại thì phải quản lý để định hướng tốt, giảm bớt hậu quả xã hội. Trước mắt chưa thể luật hóa ngay được nhưng tương lai phải nghiên cứu.

{keywords}
ĐBQH Bùi Thị An

“Giờ chưa công nhận, công khai thì hãy nên cho vào một cụm thí điểm để quản lý. Đầu tiên là quản lý về người bán, người mua, kiểm soát y tế, lâu dài nếu trở thành ngành công nghiệp thì có thể thu thuế. Việc công khai theo tôi có cái lợi nữa là những người đến sẽ giảm đi thay vì cứ “dấm dúi” như bây giờ”.

Tuy nhiên bà An cho rằng, khi triển khai chắc chắn sẽ vấp phải những rào cản về mặt tâm lý của chính những người trong cuộc cũng như dư luận xã hội bởi nước ta chưa công nhận mại dâm là một nghề. Tâm lý của người có nhu cầu cũng không muốn công khai, chỉ muốn “tàu ngầm”.

“Cần phải có hướng dẫn, chuẩn bị tâm lý cho họ. Bộ LĐTB&XH sẽ phải chịu trách nhiệm chính và ngành dọc là Sở”, bà An nêu quan điểm.

Thúy Hạnh