- Phó chủ nhiệm UB Tư pháp QH Lê Thị Nga cảnh báo các vụ giết người trong xã hội vừa qua có những đặc điểm không bình thường.

Ý kiến phát biểu của bà Lê Thị Nga nêu tại phiên họp của QH hôm nay thảo luận về các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng.

Vụ Nguyễn Đức Nghĩa - Hà Nội, Lê Văn Luyện - Bắc Giang; hay chỉ hơn 40 ngày giữa năm 2015 liên tiếp xảy ra 3 vụ ở Nghệ An, Bình Phước, Yên Bái giết chết 14 người trong 3 gia đình. Các vụ giết 1 đến 2 người vẫn tiếp tục xảy ra trong những ngày qua.

Khi "điểm danh" những vụ án trên, Phó CN UB Tư pháp đã nêu những đặc điểm không bình thường so với trước đây. 

Bà Lê Thị Nga chỉ ra các vụ án có điểm chung thủ phạm trẻ, nhiều vị thành niên, là những người bình thường, không phải băng nhóm xã hội đen. 

Đáng lưu ý nhiều vụ do những mâu thuẫn vụn vặt, bột phát, không có dự mưu nhưng hành động cực kỳ dã man, tàn ác, quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng; giết cả những người không trực tiếp mâu thuẫn trong đó có trẻ em, người già. 

{keywords}
Phó CN UB Tư pháp Lê Thị Nga: Các vụ giết người thời gian qua có đặc điểm không bình thường

Thủ phạm thản nhiên, ít ăn năn, run sợ, lương tâm không cắn rứt.

Không thể coi nhẹ

Bà Lê Thị Nga chỉ ra 5 nguyên nhân không thể coi nhẹ. 

Đề cập giáo dục nhân cách, bà nhấn mạnh những thanh niên chưa có tiền án, tiền sự mà gây án với phương thức dã man, tàn ác thể hiện sự không bình thường trong phát triển nhân cách. 

"Chúng ta đã chưa thành công trong giáo dục nhân cách đối với một bộ phận thanh, thiếu niên dưới cả 3 góc độ: giáo dục xã hội, nhà trường và gia đình" - bà phát biểu.

Về giáo dục xã hội, bà thẳng thắn những biểu hiện mất công bằng, lối sống thiếu gương mẫu, trục lợi, tham nhũng, chạy chức quyền của một bộ phận người trưởng thành tác động hàng ngày đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến việc hình thành nhân cách lớp trẻ. 

Cộng với việc giáo dục kỹ năng ứng xử, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong môi trường sống phức tạp chưa được quan tâm đúng mức đã dẫn đến một bộ phận giới trẻ bế tắc, mất phương hướng. 

Họ có xu hướng hành động bản năng, thiếu kiềm chế, dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn. Có trường hợp quá cuồng vọng về cuộc sống, chưa quen với thất bại nên mang tâm lý đầy hận thù khi mục tiêu không đạt được, dẫn đến hành vi tàn ác (như giết cả nhà người yêu khi bị bỏ).

Phó CN UB Tư pháp cũng khẳng định, vì nhiều lý do, không ít gia đình chỉ chú trọng đến nuôi mà ít quan tâm đến giáo dục con, phó mặc cho người giúp việc, cho nhà trường, cho xã hội. Do đó tâm lý, hành vi của con phát triển theo hướng nào cha mẹ không hay. Nhiều vụ cha mẹ bàng hoàng, kinh ngạc, thậm chí ngất xỉu khi biết con mình giết người.

Trong khi đó, trong giáo dục nhà trường, chưa quan tâm đúng mức đến việc trang bị kỹ năng sống, học để tương tác, dung hòa với các mối quan hệ xã hội ngày càng phức tạp.

Giáo dục đạo đức, giáo dục công dân công thức và xơ cứng, hiệu quả thấp; lại không phải là môn học có tính chất quyết định khi chuyển cấp, tốt nghiệp nên bị ngay cả nhà trường, học sinh và phụ huynh coi nhẹ. 

Hệ quả trình độ học vấn không tương xứng với nhận thức văn hóa, pháp luật, đạo đức (thủ phạm Nguyễn Hải Dương, Nguyễn Đức Nghĩa đều đã tốt nghiệp đại học).

Sức đề kháng thông tin độc hại thấp

Một trong những vấn đề bà cũng cảnh báo đó là sự bùng nổ của thông tin, sức đề kháng của người trẻ trước thông tin độc hại, game, phim ảnh bạo lực rất thấp. Xuất hiện xu hướng phụ thuộc vào mạng xã hội, nghiện mạng xã hội. 

Nhiều em sống đời sống tinh thần ảo. Hình ảnh bạo lực tác động thường xuyên, lâu dài đã góp phần đánh thức phần bản năng xấu trong thanh thiếu niên, khiến các em trơ lì cảm xúc phản ứng với cái ác, hướng các em tới hành vi bạo lực. Nhiều thủ phạm giết người có tiền sử nghiện game bạo lực. 

"Các nhà quản lý và giáo dục phải có đối sách với thực trạng đáng lo ngại này", bà khẩn  thiết.

Bà cũng đề cập vai trò và trách nhiệm của báo chí. Áp lực quá lớn từ truyền thông cũng có thể khiến cho điều tra viên nôn nóng phá án, dễ dẫn đến bức cung, nhục hình, oan sai.

"Khai thác nhiều chi tiết đời tư của nghi phạm, của bị hại là chúng ta đã xâm phạm quyền bí mật đời tư. Nếu tiếp tục đưa nhiều tin về các vụ con giết cha, vợ giết chồng, giết người cưu mang mình, bội bạc, phản trắc.... thì dần dần lớp trẻ sẽ mất niềm tin ở tình người và ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi ứng xử" , bà cảnh báo. 

Ngoài ra, tình trạng mất kiểm soát việc sử dụng rượu bia, lạm dụng rượu bia khá phổ biến trên cả nước đang là nguyên nhân trực tiếp, tiềm tàng của nhiều vụ giết người, gây thương tích. 

Bên cạnh đó, một lượng đáng kể người bị rối loạn sức khỏe tâm thần, người bị bệnh tâm thần, người loạn thần do dùng ma túy đá ở ngoài xã hội không được phát hiện, quản lý, chữa trị kịp thời.

Thiếu sót trong quản lý khiến các đối tượng tiếp cận quá dễ các công cụ phạm tội như vũ khí nóng, công cụ hỗ trợ, mã tấu, súng, kiếm, dao…(phóng sự "Mua vũ khí nóng dễ như… mua rau?" trên VTV1 là minh chứng cụ thể).

Phó chủ nhiệm UB Tư pháp nêu 4 kiến nghị. Trong đó kiến nghị QH cần coi thực trạng xảy ra liên tiếp các vụ giết người dã man, tàn ác là một vấn đề hết sức nghiêm trọng, cần đưa vào nội dung Nghị quyết. Giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan để có giải pháp chặn đứng và phòng ngừa. 

Chính phủ cần chỉ đạo ngay các cơ quan có chức năng nghiên cứu tội phạm, nhất là các Trung tâm tội phạm học của ngành Công an sớm nghiên cứu thực trạng trên để có giải pháp.

Bà đề nghị khắc phục các nguyên nhân trên thuộc trách nhiệm của rất nhiều bộ, ngành và đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành sớm có giải pháp.

Kết thúc bài phát biểu, bà Lê Thị Nga "xin thêm nửa phút" để nói về hậu giám sát oan, sai của QH về vụ Huỳnh Văn Nén.

"Chúng tôi hoan nghênh Bộ trưởng Công an, Viện trưởng VKSNDTC đã tiếp thu ý kiến của QH, chỉ đạo, kiểm tra theo thẩm quyền nên Huỳnh Văn Nén đã được tha sau 17 năm bị giam", bà Nga nói.

"Với những dấu hiệu oan, sai khá rõ mà đoàn giám sát đã chỉ ra, chúng tôi đề nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát Bình Thuận khẩn trương kết thúc điều tra, nếu không đủ chứng cứ chứng minh Huỳnh Văn Nén phạm tội thì phải sớm đình chỉ và bồi thường, không phụ thuộc vào việc có tìm ra được thủ phạm hay không theo đúng nguyên tắc suy đoán vô tội và yêu cầu của Nghị quyết 96 ngày 26/6/2015 của QH", bà Nga kết thúc bài phát biểu.

Linh Thư - Ảnh: Hoàng Long