- Dù còn có việc chưa được như mong muốn, nhưng mọi người đều có chung cảm nhận vui mừng trước những thành tựu, kết quả đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. 

Trước thềm Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ 16 sẽ khai mạc đầu tuần tới, VietNamNet giới thiệu bài viết của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị.

Thủ đô Hà Nội, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao dịch quốc tế; một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. 

Hà Nội không chỉ là một đô thị lớn, đô thị đặc biệt, mà còn là Thủ đô, nên mỗi nhiệm vụ, mỗi công việc đều luôn đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân Thủ đô phải nỗ lực phấn đấu, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô của đất nước.

Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Thủ đô Hà Nội đã vượt qua một chặng đường với nhiều khó khăn, thách thức. 

Dù còn có việc chưa được như mong muốn, nhưng mọi người đều có chung cảm nhận vui mừng trước những thành tựu, kết quả đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. 

Tiếp theo những thành tựu mang dấu ấn của một nhiệm kỳ gắn liền với Đại lễ 1000  năm Thăng Long - Hà Nội; qua 5 năm nỗ lực phấn đấu, diện mạo Thủ đô đổi mới, tiến bộ, lớn lên từng ngày; một Thủ đô ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong đã và đang trở thành hiện thực.

Năm năm qua, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá cao. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm 2011-2015 ước tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. 

Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) năm 2015 theo giá hiện hành ước đạt khoảng 27,6 tỷ USD, bình quân thu nhập đầu người khoảng 3.600 USD, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt và vượt dự toán: 5 năm tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 714,5 ngàn tỷ đồng, tỷ lệ tăng bình quân khoảng 7,1%/năm.

{keywords}
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị

Trong nhiệm kỳ qua, Thành phố đã tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. 

Đặc biệt, việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô đã tạo điều kiện cho Hà Nội có được những cơ chế, chính sách đặc thù trên một số lĩnh vực, giúp Thủ đô thuận lợi hơn trong công tác quản lý, điều hành. 

Trên cơ sở đó, Thành phố đã tập trung hoàn thành các quy hoạch ngành, lĩnh vực; cơ bản hoàn thành các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung các huyện, thị xã, thị trấn, các đô thị vệ tinh. Đây là những định hướng rất quan trọng để Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực xây dựng, quản lý, phát triển đô thị được đặc biệt chú trọng và có chuyển biến, tiến bộ rõ rệt. Hai năm liền Thành phố chọn chủ đề“Năm trật tự và văn minh đô thị” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. 

Thành phố đã huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Hàng loạt dự án lớn đã được hoàn thành như: Nhà ga T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài; đường vành đai 3 trên cao, đường Nhật Tân - Nội Bài, đường 5 kéo dài; cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Đông Trù và hoàn thành 7 cầu vượt, góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô. 

Thành phố đã triển khai thi công các tuyến đường sắt đô thị Hà Đông - Cát Linh, Nhổn - ga Hà Nội; nghiên cứu đề xuất, triển khai tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng nhiều khu đô thị, trung tâm thương mại mới,  hiện đại.  

Đứng đầu cả nước về chỉ số phát triển con người

Cùng hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, công tác xây dựng nông thôn mới cũng được tập trung chỉ đạo và đạt được kết quả nổi bật. Trong 5 năm, đã huy động bình quân khoảng 5.800 tỷ đồng/năm cho đầu tư xây dựng nông thôn mới. 

Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực này tiếp tục tăng lên, năm 2015 ước đạt 33 triệu đồng/người/năm, gấp 2 lần so với năm 2011; số hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 11,2% năm 2011 xuống còn dưới 2% năm 2015. 

Dự kiến đến cuối năm 2015, toàn Thành phố có 166/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 43% tổng số xã (cả nước đạt 20%). Đan Phượng là huyện đầu tiên hoàn thành các tiêu chí để trở thành huyện nông thôn mới. 

Việc dồn điền, đổi thửa, một việc rất quan trọng nhưng cũng vô cùng khó khăn, song nhờ sự tập trung chỉ đạo và quyết tâm cao của cán bộ và nhân dân, đã đạt trên 97% những diện tích có thể dồn đổi, tạo tiền đề phát triển sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển. Đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân Thủ đô được cải thiện rõ rệt.

 Thành phố đã quan tâm đầu tư, hoàn thiện hệ thống các thiết chế văn hóa và bảo tồn, tôn tạo, nghiên cứu, giới thiệu, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa của Thủ đô. Các hoạt động văn học, nghệ thuật, giao lưu văn hóa trong nước, khu vực và quốc tế tiếp tục mở rộng. 

Nhiều phong trào, hoạt động xây dựng mô hình văn hóa ở cơ sở được triển khai đạt kết quả tốt; những giá trị, nét đẹp văn hoá của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, truyền thống tốt đẹp trong gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư được kế thừa, phát huy. Nếp sống văn hoá, văn minh đô thị, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội có chuyển biến tốt. 

Thành phố đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng và đưa vào giảng dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Thủ đô... góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào của người Hà Nội.

Hà Nội là địa phương có chỉ số phát triển con người, quy mô và chất lượng giáo dục - đào tạo đứng đầu cả nước. 

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chăm lo các gia đình chính sách, những người có công luôn được đặc biệt quan tâm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô được giữ vững trong mọi tình huống. 

Hà Nội là Thủ đô an ninh, an toàn, đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt bình yên cho người dân Thủ đô và du khách. Quốc phòng và quân sự địa phương được củng cố, tăng cường. 

Quan hệ, liên kết với các tỉnh, các vùng kinh tế trọng điểm trong nước; quan hệ đối ngoại, giao lưu hợp tác với thủ đô các nước, các tổ chức quốc tế được đẩy mạnh. 

Hiện nay Thủ đô Hà Nội có quan hệ hợp tác, hữu nghị với hơn 100 thành phố và thủ đô các nước, qua đó không ngừng nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô, của đất nước trong cộng đồng quốc tế và bè bạn năm châu.

Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ Hà Nội được Trung ương ghi nhận là đảng bộ gương mẫu, đi đầu, có nhiều việc làm chủ động, sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. 

Đã triển khai sâu rộng đến từng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên gắn với triển khai 9 chương trình công tác của Thành phố; là nơi đầu tiên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý. 

Khắc phục hạn chế, khuyết điểm

Qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, Thành ủy đã đề ra các chủ trương, biện pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết để triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ, như Nghị quyết 09 về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới; Đề án số 06 về kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội; chủ trương giảm bớt các đoàn đi công tác nước ngoài không thật cần thiết; hạn chế xây dựng, đầu tư, mua sắm công... 

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và Chương trình 01 của Thành ủy, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Thành phố nâng cao thêm ý thức tự phê bình và phê bình, thực hiện tốt hơn nguyên tắc tập trung dân chủ, lề lối làm việc; tăng cường đoàn kết, quyết tâm sửa chữa, khắc phục hạn chế, khó khăn; nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.

Đánh giá một cách tổng quát thành tựu 5 năm qua, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của Thủ đô. 

Thành phố đã vận dụng sáng tạo và tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, Nghị quyết của Trung ương và của Thành ủy; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả 9 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá, kết hợp với xác định chủ đề công tác từng năm để tập trung chỉ đạo, đã tạo được chuyển biến mới và toàn diện trên các lĩnh vực. 

Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp về kinh tế, chính trị, xã hội, sự ổn định và phát triển của thành phố Hà Nội 5 năm qua là đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển chung của đất nước.

Có được những thành tựu và tiến bộ trên đây, trước hết là do Thành phố luôn bám sát và vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, chính sách, biện pháp, chỉ đạo của Trung ương; là sự quan tâm, giúp đỡ, phối hợp có hiệu quả của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; là sự đoàn kết nhất trí cao trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận của nhân dân, của việc đổi mới phương thức lãnh đạo và làm tốt công tác cán bộ. 

Phương thức lãnh đạo của cấp ủy các cấp được đổi mới, bài bản, khoa học; vừa bao quát, toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn nhận một cách nghiêm túc, Hà Nội cũng còn những việc làm chưa tốt, hoặc còn có thiếu sót, khuyết điểm. 

Đó là, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh Thủ đô; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nhìn chung còn thấp. 

Một số tiêu chí cơ bản về tái cơ cấu kinh tế thực hiện chưa đạt yêu cầu đề ra; kinh tế tri thức phát triển chậm; chưa phát huy được thế mạnh các nguồn lực về vốn, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động để tập trung cho đầu tư phát triển. 

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước còn gặp nhiều khó khăn. 

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung, chuyên canh chậm được nhân rộng. Hội nhập kinh tế quốc tế, vai trò đầu tàu, điều phối kinh tế vùng hiệu quả còn thấp. 

Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, đất đai, môi trường... chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại.

Những hạn chế trên có nguyên nhân khách quan, một mặt do cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ; các nguồn lực chưa đủ để triển khai thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ phát triển lâu dài và cấp bách của Thủ đô. 

Và cũng có cả việc trong quá trình triển khai những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, các cơ quan quản lý, chỉ đạo, điều hành phải chờ đợi sự đồng thuận, nhất trí của dư luận. 

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận những nguyên nhân chủ quan của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của Thành phố còn chưa thực sự quyết liệt; hiệu lực, hiệu quả chưa cao; một bộ phận cán bộ, công chức còn thiếu năng động, sáng tạo, né tránh trách nhiệm, thậm chí có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực. 

Việc xử lý một số tập thể, cá nhân có sai phạm chưa kịp thời và chưa đủ mức giáo dục, răn đe. Đây là những việc cần sớm khắc phục và chấn chỉnh.

Trên cơ sở những thành tựu của đất nước và Thủ đô 5 năm qua, cùng với quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, 5 năm tới Thủ đô Hà Nội sẽ có nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, đồng thời cũng có không ít khó khăn, thách thức mới đặt ra. 

Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI sẽ thảo luận và thông qua mục tiêu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô nhiệm kỳ 2015-2020. 

Đại hội xác định chủ đề cho nhiệm kỳ 5 năm tới là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”

Đây là quyết tâm chính trị, là ý chí, nguyện vọng, là yêu cầu đòi hỏi đặt ra đối với trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Để lãnh đạo thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ, nhân tố có ý nghĩa quyết định hàng đầu là sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự  tin tưởng, đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Đó chính là động lực, nguồn động viên vô cùng to lớn, thôi thúc toàn Đảng bộ không ngừng phấn đấu vươn lên, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy HN Phạm Quang Nghị