- Chi phí cho ghi hình, ghi âm các cuộc hỏi cung dự tính lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, chưa kể máy móc dự phòng, chi phí kho bảo quản, biên chế quản lý máy ghi âm, ghi hình, băng đĩa.

Việc bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can được quy định tại khoản 6 Điều 188 của dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) là việc làm cần thiết, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước với việc bảo vệ quyền lợi của công dân, tuy nhiên việc triển khai thực hiện trên thực tế nội dung của quy định trong dự thảo này rất khó khả thi.

Ảnh hưởng tiến độ điều tra, phá án

Trong thực tế quá trình điều tra, đặc biệt là các vụ án nghiêm trọng, manh mối điều tra đều rất mong manh, cơ quan điều tra phải khai thác nhiều đối tượng, do vậy việc hỏi cung phải tiến hành nhiều lần với nhiều đối tượng khác nhau. 

Nếu quy định mới về hỏi cung bị can được thông qua, ngoài việc phải lập biên bản trong quá trình hỏi cung và hỏi cung xong điều tra viên phải đọc biên bản cho bị can nghe theo quy định cũ thì điều tra viên còn phải tốn thêm thời gian phát lại băng ghi âm, ghi hình từ đầu đến cuối để bị can xác nhận lời khai và ký vào biên bản. 

Trình tự thực hiện các thủ tục trên tốn khá nhiều thời gian, chưa kể tới các nguyên nhân khách quan như trang thiết bị trục trặc hoặc xảy ra sự cố về kỹ thuật.

{keywords}

Việc điều tra viên phải tốn thời gian vào các công việc mang tính thủ tục sẽ tạo điều kiện cho các đối tượng phạm tội có cơ hội để xóa chứng cứ hoặc cao chạy xa bay, khiến công tác điều tra phải kéo dài thêm hoặc tiêu cực hơn là đi vào bế tắc. 

Bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trong một số trường hợp sẽ làm chậm đi việc mau chóng tìm ra thủ phạm để đưa ra trước ánh sáng công lý.

Gánh nặng ngân sách

Hàng năm, cơ quan điều tra của ngành Công an thụ lý khoảng gần 100.000 vụ án hình sự với khoảng 160.000 bị can. Chi phí để trang bị đầy đủ thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác ghi hình, ghi âm các cuộc hỏi cung với số lượng bị can như trên là không hề nhỏ. 

Con số dự tính có thể lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, đó là chưa kể máy móc dự phòng và các chi phí khác cho việc xây dựng kho bảo quản, sửa chữa, biên chế quản lý máy ghi âm, ghi hình, băng đĩa.

Bên cạnh đó là nhiều khó khăn khác liên quan tới cơ sở hạ tầng như có nhiều cơ quan điều tra có trụ sở tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đây là những nơi thậm chí còn chưa có điện sáng chứ chưa nói tới việc lắp đặt và vận hành thiết bị ghi âm, ghi hình phục vụ việc hỏi cung bị can. 

Nếu việc triển khai quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can không được tiến hành đồng bộ trên phạm vi cả nước sẽ gây ra sự bất bình đẳng giữa các khu vực, thậm chí một số nơi phải dừng hoạt động hỏi cung nếu chưa được trang bị các phương tiện phù hợp liên quan tới công tác này.

Không giải quyết tận gốc vấn đề

Việc áp dụng thiết bị kỹ thuật vào hoạt động hỏi cung bị can có thể góp phần tích cực trong phòng, chống oan, sai, tuy nhiên vẫn đề cốt lõi chính là tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán. 

Đội ngũ thực thi pháp luật này cần phải thường xuyên được giáo dục về chuyên môn cũng như chính trị tư tưởng để đáp ứng được những đòi hỏi từ công việc.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, nhất là thanh tra trong khởi tố, bắt, giam, giữ, truy tố, xét xử phải được tiến hành thường xuyên, chú trọng phát hiện sớm sai phạm, tập trung phối hợp xác minh các dấu hiệu oan, sai để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, không để kéo dài, gây hậu quả xấu. 

Trong quá trình thanh tra nếu phát hiện trường hợp vi phạm cần có biện pháp xử lý thích đáng để nêu gương.

Nói tóm lại, quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can là cần thiết nhưng vẫn khó khả thi trong điều kiện thực tế cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. 

Nếu nội dung dự thảo này được Quốc hội thông qua để thành luật thì phải được áp dụng một cách phổ biến trên phạm vi cả nước để đảm bảo tính công bằng và tính thượng tôn của pháp luật. 

Tuy nhiên, do chi phí đầu tư cho việc lắp đặt các thiết bị ghi âm, ghi hình khá lớn và không thể áp dụng luôn cho tất cả các khu vực trên phạm vi cả nước nên có thể nhận định rằng quy định này vẫn chưa thực sự cần thiết tại thời điểm hiện tại.

Khoản 6 Điều 188, Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) quy định: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm, ghi hình.

Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng; trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể ghi âm, ghi hình được thì phải nêu rõ trong biên bản hỏi cung.

Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, việc bảo quản, sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử”.

Chỉ tính riêng trong năm 2014, ngành Công an đã tiến hành khởi tố mới 73.606 vụ án với 110.924 bị can. 

Cộng thêm với đó là số lượng các vụ án vẫn đang trong tiến trình giải quyết từ các năm trước đó thì số lượng lượt hỏi cung bị can mỗi năm là rất vô cùng lớn. Để có thể ghi âm, ghi hình đầy đủ các hoạt động này sẽ tiêu tốn một lượng Ngân sách khổng lồ của Nhà nước trong bối cảnh Ngân sách cần tập trung đầu tư cho xây dựng hạ tầng, giáo dục, quốc phòng…

Trung Đức