- "Người ta đi điều tra thì không vào cơ quan nhà nước để nghỉ ngơi mà ra bên ngoài để tránh vướng mắc thì mới độc lập. Pháp luật nếu có mà không được thực hiện thì sẽ lưu động trong không khí thôi", ĐB Đỗ Văn Đương nói về chống tham nhũng.

Trao đổi với báo chí bên hành lang QH sáng nay, sau khi nghe các báo cáo của Chính phủ và các cơ quan tư pháp về công tác phòng, chống tham nhũng, ông Đỗ Văn Đương cho rằng để tăng tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, phải tính đến cả các chứng cứ điện tử, chứ không chỉ vật chất bình thường.

"Để thu hồi tài sản tham nhũng, cần rất coi trọng phong tỏa tài khoản của người bị nghi tham nhũng ngay từ đầu, áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt để xem dòng tiền đó đi đâu. Còn nếu đấu tranh trực diện thì rất khó", ông Đương nhận định.

{keywords}
Đại biểu Đỗ Văn Đương: Đấu tranh tham nhũng trực diện rất khó

Ủy viên UB Tư pháp cho biết tới đây, dự thảo bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi sẽ đề nghị các biện pháp đặc biệt như thu giữ chứng cứ điện tử bí mật, khám xét bí mật, áp dụng các biện pháp cưỡng chế, phong tỏa tài sản, kê biên tài sản ngay tại khâu điều tra để kết nối với thi hành án, bảo đảm bồi thường, thi hành án sau khi xét xử.

"Chứ nếu không ra tòa, hỏi tiền đi đâu thì mất hết rồi", ông Đỗ Văn Đương nói.

Theo ông, kể cả những tài sản không giải trình, chứng minh được nguồn gốc thì cũng phải bị xem là tài sản bất hợp pháp để thu hồi.

Đây là cách làm của nhiều nước trên thế giới nhưng luật pháp VN vẫn chưa hình sự hóa tội làm giàu bất chính.

"Trong luật Phòng, chống tham nhũng đã có quy định về giải trình nguồn gốc tài sản. Nhưng tôi muốn đưa vào bộ luật Hình sự tội làm giàu bất chính để có thể xử lý hình sự nếu không giải trình được nguồn gốc tài sản", ĐB TP.HCM nói.

Từ đó, ông Đỗ Văn Đương nêu ý kiến về biện pháp kê khai tài sản. Quan trọng là phải kiểm soát được thu nhập của những người có chức vụ cao, chứ với cán bộ, công chức bình thường, việc kê khai chỉ mang tính hình thức, họ chỉ có thu nhập từ tiền lương chứ đâu có quyền quyết định cấp dự án, giấy phép... mà tham nhũng được.

Nhưng theo ông, kê khai rồi thì khi đi kiểm tra, xác minh phải sát thực tế, với những con người biết cách chống tham nhũng, "độc lập và được trao quyền mạnh mẽ như Bao Công ngày xưa".

"Người ta đi điều tra thì không vào cơ quan nhà nước để nghỉ ngơi mà ra bên ngoài để tránh vướng mắc thì mới độc lập. Pháp luật nếu có mà không được thực hiện thì sẽ lưu động trong không khí thôi", ông Đỗ Văn Đương nói.

Chiều nay, các ĐBQH thảo luận tại hội trường về công tác phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng thể hiện qua các báo cáo của Chính phủ và các cơ quan tư pháp trình bày sáng nay.

Chung Hoàng (ghi)