Hôm nay, Trung Quốc đã thúc giục Mỹ để chuyện tranh chấp Biển Đông cho các bên tuyên bố chủ quyền. Bắc Kinh cho rằng, sự dính líu của Mỹ có thể làm tình hình xấu đi.
>> TNS McCain chỉ trích Trung Quốc "hiếu chiến" ở Biển Đông
Giới phân tích cho rằng, đây là lời cảnh báo trực tiếp nhất của Trung Quốc tới Washington trong vài tuần gần đây.
Căng thẳng ở Biển Đông đã gia tăng mạnh trong tháng qua với những quan ngại rằng, Trung Quốc ngày càng gây hấn hơn trong tuyên bố chủ quyền ở vùng biển được cho là giàu tài nguyên dầu khí.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải đã thúc giục Mỹ đứng ngoài tranh chấp, và nói rằng họ ngày càng quan ngại về hành động khiêu khích của các bên liên quan ở Biển Đông. Trong khi đó, với Biển Đông, Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền lớn nhất với việc công bố bản đồ hình chữ U bao trùm hầu hết 1,7 triệu km vuông vùng biển kể cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Báo Trung Quốc răn đe sử dụng vũ lực ở Biển Đông
Trong khi đổ lỗi cho Việt Nam và Philippines “hành động khiêu khích” thì báo chí Trung Quốc liên tục có những bài bình luận, xã luận với giọng điệu hiếu chiến.
Ngày 21/6, tờ Thời báo Hoàn Cầu, phụ bản của báo chính thống Nhân dân Nhật báo, báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng bài xã luận, kêu gọi Trung Quốc "sử dụng mọi biện pháp cần thiết, kể cả quân sự"để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở biển Hoa Nam".
"Tùy tình hình diễn biến như thế nào, Trung Quốc phải sẵn sàng cho hai kế hoạch: thương lượng về một giải pháp hòa bình, hoặc đáp trả sự khiêu khích bằng những trận đánh trả vào chính trị, kinh tế hoặc thậm chí cả quân sự...
Báo này dẫn ra phương án: "Trung Quốc sẽ đối phó bằng lực lượng cảnh sát trên biển, và nếu cần thiết sẽ phản công bằng hải quân".
VOA nhận định, lời lẽ nêu trên được đánh giá là cảnh báo cứng rắn nhất từ phía Trung Quốc trong thời điểm căng thẳng tại khu vực này lên cao về chủ quyền biển đảo.
Trước đó, TTXVN trích dẫn lời lẽ trong xã luận của một tờ báo Hong Kong, trong đó cũng phát đi tín hiệu cứng rắn của Trung Quốc. Tờ Văn Hối, được cho là tiếng nói của Bắc Kinh ở đặc khu, đăng xã luận nói rằng người Trung Quốc sẽ "có đòn phản kích" chứ "quyết không ngồi nhìn".
Bài xã luận của Văn Hối chỉ rõ rằng thông qua hai cuộc diễn tập hải quân ở khu vực Biển Đông, Trung Quốc đã phát đi tín hiệu cảnh cáo rõ ràng: “Cho dù chủ trương giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng phương thức hòa bình, nhưng Trung Quốc cũng đã làm tốt các công tác chuẩn bị cần thiết về mặt quân sự, có đủ quyết tâm và thực lực để bảo đảm lợi ích cốt lõi của đất nước không bị xâm phạm”.
Những bài xã luận như thế này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc biểu dương lực lượng của mình bằng hai cuộc tập trận mới đây, trong đó có một cuộc diễn ra ba ngày trên Biển Đông. Ngày 21/6, Nhật báo Thương mại Hong Kong loan tin Bắc Kinh sẽ sớm thử tàu sân bay đầu tiên. Báo cho biết việc chạy thử tàu sân bay sẽ "răn đe các nước đang nhòm ngó" Biển Đông. Quân đội Trung Quốc không bình luận gì về thông tin trên.
Trong khi đó, tại hội thảo về Biển Đông được tổ chức tại Washington D.C, hàng loạt chính khách và học giả quốc tế đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc về những hành xử gần đây mà họ cho rằng “hiếu chiến”, với những yêu sách chủ quyền như “đường lưỡi bò vô căn cứ và tham lam”.
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự nóng lên của Biển Đông thời gian qua. Ông chỉ rõ: “Nguyên do chính làm căng thẳng gia tăng và khiến cho việc đạt được một giải pháp hòa bình ở Biển Đông bị bế tắc chính là “hành xử mang tính hiếu chiến” và “yêu sách tham lam, thiếu căn cứ" của Trung Quốc ở Biển Đông”.
Vị thượng nghị sỹ có uy tín trong chính giới Mỹ cho rằng Washington cần trợ giúp ASEAN phát triển và triển khai hệ thống cảnh báo sớm trên biển và tàu an ninh cũng như các hệ thống hàng hải cơ bản.
- Thái An (tổng hợp)