- Phó chủ nhiệm VPQH Nguyễn Thanh Hải đề nghị bổ sung một số quy định chế tài cụ thể, đủ mạnh đối với các trang tin điện tử vi phạm bản quyền, hoạt động không đúng quy định.

Thảo luận tại hội trường về dự luật Báo chí sáng nay, bà Nguyễn Thanh Hải (ĐB Hòa Bình) băn khoăn thực trạng nhiều trang thông tin điện tử vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ nhưng phạm vi điều chỉnh của dự luật Báo chí lại không đề cập đến trang tin điện tử có tính chất báo chí, vốn chỉ điều chỉnh theo Nghị định 72 về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

{keywords}
Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Thanh Hải

Theo bà Hải, quy định yêu cầu các trang tin điện tử tổng hợp chỉ được trích dẫn nguyên văn và phải ghi nguồn trích dẫn, ghi rõ tên tác giả. Điều đó có nghĩa là trang tin điện tử không có chức năng sản xuất tin bài. Nhưng thực tế hiện nay hình thức trang thông tin điện tử không khác gì báo điện tử khiến bạn đọc nhầm lẫn.

“Thời gian qua số lượng trang thông tin điện tử tăng nhanh, hoạt động sai chức năng, vi phạm  bản quyền, sở hữu trí tuệ gây bức xúc với nhiều nhà báo, tờ báo chân chính”, bà Hải dẫn chứng chỉ trong thời gian 1 tháng vừa qua hàng chục trang tin bị xử phạt như trang Trí Việt 24h tổng hợp thông tin không trích dẫn, hoặc trích dẫn không đầy đủ.

Bà cho rằng vì các trang tin điện tử tổng hợp không được coi là báo chí, không nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật Báo chí nên hoạt động không có tôn chỉ mục đích. Trong khi việc tổng hợp tin tức thường theo hướng tuyên truyền mặt trái, mặt tiêu cực của xã hội.

“Qua tìm hiểu của tôi đối với học sinh THPT và THCS thì thông tin các em hay đọc trên mạng không phải là báo chí chính thống mà là các trang tin", bà Hải đề nghị bổ sung thêm một số quy định chế tài, cụ thể đủ mạnh vào luật báo chí đối với các trang tin điện tử.

Bà Hải cũng đề nghị phải có quy định bổ sung về quy chế phỏng vấn để tạo hành lang pháp lý cho người phỏng vấn và trả lời phỏng vấn thực hiện quyền và nghĩa vụ theo luật. Quy chế phỏng vấn thực hiện 13 năm đến nay chưa được sửa đổi, bổ sung vào bất kỳ văn bản pháp luật nào.

Điều cấm mơ hồ

ĐB Hà Minh Huệ băn khoăn quy định: UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước đối với cơ quan báo chí của địa phương; văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí hoạt động tại địa phương.

“Quy định này có vẻ tăng thêm gánh nặng nữa đối với cơ quan báo chí. Những thông tin trái chiều ở địa phương dễ bị địa phương tuýt còi, khó lòng đảm bảo quyền tự do báo chí”, ông đề nghị nên để địa phương phối hợp với Bộ TT&TT trong quản lý báo chí ở địa phương.

Góp ý về điều 10 với 12 nội dung và 10 hành vi bị cấm, ĐB Hà Minh Huệ cho rằng quy định này khá rõ, cụ thể nhưng nhiều hành vi cấm quá khiến cho nhiều người có cảm giác cấm đoán, can thiệp sâu vào hoạt động báo chí.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng điều 10 khoản 1 cấm về nội dung và các vấn đề khác rất mơ hồ, khiến các nhà báo “không biết đâu mà lần”. Trong khi khoản 2 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm rất đầy đủ, rõ ràng.

{keywords}

ĐB Trương Trọng Nghĩa

Ông nhận xét điều 15 về đối tượng được thành lập cơ quan báo chí thực chất là hạn chế quyền tự do báo chí của công dân, cần nghiên cứu cẩn thận.

“Báo chí có tính đặc thù vì nhu cầu thông tin và hiểu biết tăng lên không giới hạn, công nghệ cao và toàn cầu hóa, hội nhập nên nếu quản lý không phù hợp, không khôn ngoan, dân chủ, nhiều khi tưởng như vậy là chặt chẽ nhưng lại không hiệu quả”, ĐB Nghĩa lưu ý.

Thu Hằng - Ảnh: Minh Thăng