Rủi ro ngày càng gia tăng trong những vụ việc xảy ra trên biển liên quan tới Trung Quốc có thể dẫn tới chiến tranh ở châu Á, Viện Lowy về các chính sách quốc tế của Australia cảnh báo.
Tập trung vào Biển Đông và biển Hoa Đông, cách hành xử liều lĩnh của quân đội Trung Quốc, những nhu cầu về tài nguyên và sự quả quyết lớn hơn, có thể dẫn tới xung đột vũ trang thu hút Mỹ và những cường quốc khác, Viện Lowy nói trong một báo cáo.
Ảnh minh họa, ảnh: wordpress |
"Các tuyến đường biển của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trở nên đông đúc hơn, tranh cãi nhiều hơn và nguy cơ xung đột lớn hơn. Các lực lượng hải quân và không quân được củng cố giữa lúc diễn ra sự thay đổi cán cân kinh tế chiến lược”, tác giả báo cáo Rory Medcalf và Raoul Heinrichs viết.
"Sự va chạm của Trung Quốc với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ dường như dai dẳng và gia tăng. Khi số lượng và tốc độ những vụ việc gia tăng, thì rất dễ leo thang thành đối đầu vũ trang, khủng hoảng ngoại giao hay thậm chí là xung đột”, báo cáo cho biết.
Nghiên cứu về những cường quốc chính và an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương xuất bản giữa lúc Trung Quốc chuẩn bị ra mắt tàu sân bay đầu tiên (có lẽ trong tuần này) – một diễn biến gây lo lắng trong khu vực về việc Trung Quốc không ngừng mở rộng sức mạnh quân sự.
Trong tháng này, Trung Quốc đã điều một trong những tàu tuần tra dân sự lớn nhất tới Biển Đông. Còn trong hôm qua (27/6), Thượng viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết phàn nàn về việc Trung Quốc dùng vũ lực chống lại các tàu Việt Nam và Philippines ở Biển Đông.
“Vùng nguy hiểm”
Theo Medcalf và Heinrichs các hoạt động tuần tra hàng hải nhiều hơn, việc xâm nhập giám sát, cùng với sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc và tranh chấp tài nguyên… tất cả đã gây khó khăn lớn hơn trong việc kiềm chế những tranh cãi về chủ quyền hàng hải. "Tất cả những yếu tố này đang làm cho châu Á trở thành một vùng nguy hiểm với các vụ việc xảy ra trên biển: những cuộc đụng độ cự ly gần bao gồm các tàu và máy bay từ các bên đối đầu, đặc biệt là ở những khu vực nhạy cảm hay tranh chấp”, báo cáo nhấn mạnh.
Báo cáo đề cập chi tiết tới căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật, đặc biệt là từ tháng 4/2010 khi hải quân Trung Quốc diễn tập ở gần đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản; tiếp sau đó là việc Nhật Bản bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc – người bị cáo buộc đã cố tình đâm vào một tàu tuần tra của Nhật.
Những vụ việc này đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng ngoại giao và thậm chí Trung Quốc còn tạm ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật.
Mặc dù đã có những dấu hiệu ban đầu về sự ấm lên trong quan hệ song phương Nhật – Trung sau thảm họa sóng thần, động đất và cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật hồi tháng 3, nhưng quan hệ an ninh vẫn ở mức căng thẳng khi tháng trước, Nhật Bản phải nhanh chóng điều máy bay chiến đấu khi các máy bay Trung Quốc đến gần quần đảo tranh chấp.
Báo cáo đề cập tới việc Bắc Kinh khiến những quốc gia Đông Nam Á lo lắng về “lợi ích cốt lõi” ở Biển Đông, và tại Australia là sự quan ngại về hành xử an ninh trong tương lai của Trung Quốc trong khi có khá nhiều đồn đoán rằng, cuộc cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên biển “chỉ là vấn đề thời gian”.
Medcalf và Heinrichs cho rằng, những nỗ lực mới là điều cần thiết để xây dựng lòng tin trong khu vực và cần có sự tham gia của Trung Quốc trong các cuộc đối thoại quân sự tiếp tục diễn ra với Mỹ và Nhật Bản. Theo họ, các đường dây nóng về an ninh hàng hải cũng thực sự cần thiết giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa Nhật Bản và Trung Quốc để tạo điều kiện cho những phản ứng kịp thời với bất kỳ vụ việc nào.
-
Thái An (Theo Reuters)