GS.TS. Bùi Thế Vĩnh (Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học Hành chính) chia sẻ nguyện vọng về một nền hành chính trong đó Chính phủ lắng nghe dân và doanh nghiệp, cán bộ công chức lễ độ, thủ tục hành chính dễ hiểu, dễ làm.

Hội thảo "Cải cách hành chính nhà nước ở Việt Nam dưới góc nhìn của các nhà khoa học" diễn ra ngày 28/6 có đến 23 tham luận từ các vấn đề chung của cải cách hành chính (CCHC) nhà nước tới từng vấn đề cụ thể là cải cách thể chế, cải cách bộ máy, cải cách công vụ, cải cách tài chính và hiện đại hóa nền hành chính. Tham gia tham luận có từ người đứng đầu ngành nội vụ đến lãnh đạo các tỉnh thành cũng như cán bộ Học viện hành chính quốc gia HCM.

Với tham luận có tựa đề Tiếp tục khảo sát "Vì sao CCHC chưa đạt yêu cầu", GS.TS. Bùi Thế Vĩnh thật lòng chia sẻ ông đã viết một bài có tựa đề y hệt cách đây... 10 năm.

Trước những cán bộ lãnh đạo cao cấp phụ trách CCHC, trong đó có Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn, nhà nghiên cứu khoa học hành chính lão thành thẳng thắn chỉ ra sự đánh giá của Đảng và Nhà nước về CCHC nhà nước giai đoạn 2001-2010 "chưa đạt yêu cầu, chậm và hiệu quả thấp" là hoàn toàn thỏa đáng."Mặc dầu trong 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể, Việt Nam đã làm được nhiều việc, tốn kém nhiều công sức và tiền của nhưng về bản chất, nền hành chính vẫn như 15 năm trước đây, có những mặt còn nghiêm trọng hơn", ông Vĩnh nói.

Thực trạng nền hành chính mà văn kiện Hội nghị Ban Tổ chức TW lần thứ 8, khóa VII (tháng 1/1995) chỉ ra như bệnh quan liêu, xa dân, xa cấp dưới và cơ sở; tình trạng phân tán, thiếu trật tự kỷ cương trong hệ thống hành chính và trong xã hội; nạn tham nhũng và lãng phí của công có chiều hướng phổ biến; bộ máy hành chính nặng nề, cồng kềnh, vận hành trục trặc; và đội ngũ cán bộ, công chức thiếu kiến thức, thiếu chuyên nghiệp, yếu về năng lực quản lý, thậm chí hư hỏng... dường như vẫn chưa cải thiện.


 

Đổi mới nền hành chính phải bắt nguồn từ tư duy.
Ảnh minh họa: Phạm Cường (VietNamNet)

GS.TS. Bùi Thế Vĩnh chỉ ra 4 nguyên nhân vì sao nền hành chính Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ, đứng đầu là nguyên nhân từ tư duy. "Đổi mới kinh tế ở Việt Nam thành công là nhờ đổi mới tư duy kinh tế, nhưng trong CCHC, ta lại không đi lại được con đường đúng ấy - không khởi đầu bằng đổi mới tư duy hành chính - một việc khó gấp nhiều lần trong kinh tế", ông Vĩnh nói.

Đó là cần có những suy nghĩ, ý tưởng mới về bản chất nhà nước và quyền lực nhà nước, về quan hệ giữa nhà nước và thị trường, về vai trò, chức năng và sự can thiệp trực tiếp của nhà nước vào các quá trình xã hội, về phân công, phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước giữa trung ương và địa phương, về hội nhập khu vực và quốc tế về hành chính.

Tư duy có đổi mới theo hướng đó mới có thể giảm bớt chức năng của nhà nước, tăng tính xã hội hóa, tính tự quản. "Từ 'giảm bớt' này nghe lạ", ông Vĩnh nói, "nhưng vấn đề đặt ra là không phải lúc nào cũng 'tăng cường' chức năng, nhiệm vụ nhà nước, mà phải 'giảm bớt' các chức năng, nhiệm vụ nhà nước, nhà nước 'nhỏ, gầy', xã hội 'to, béo'".

Nhà nước chỉ nên tập trung mọi sinh lực của mình vào việc hoạch định chiến lược và chính sách, điều tiết thu nhập, buộc mọi tổ chức và công dân tuân theo pháp luật, công bằng, bình đẳng; ngăn chặn, phòng ngừa tệ phân biệt chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo; ngăn chặn bóc lột, tệ nạn xã hội, xóa đói, giảm nghèo; xây dựng kết cấu hạ tầng, môi trường cạnh tranh lành mạnh, phát triển mạnh khu vực tư, giảm khu vực công.

GS.TS. Bùi Thế Vĩnh cũng lưu ý việc "thiết kế một cơ chế mới nhằm từng bước xóa bỏ sự song trùng giữa bộ máy Đảng và bộ máy nhà nước". Nền hành chính của ta vẫn đang ở giai đoạn "Đảng cầm quyền, Nhà nước thực thi, Nhân dân tham gia", trong khi mô hình hướng tới phải là "Đảng hóa thân vào nhà nước, Nhà nước quản lý, Dân tham gia", ông Vĩnh phân tích.

Từ đó, điều nhà nghiên cứu khoa học hành chính lão thành này cho là cơ bản trong CCHC chính là cải cách thể chế, trong đó có việc khắc phục một khiếm khuyết, sơ hở khi xây dựng, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật.

"Từ trước đến nay, khi Quốc hội thảo luận, thông qua luật, thiếu phương án đi kèm 'Chi phí thực thi luật pháp khi ban hành', nghĩa là muốn một luật mới vào cuộc sống thì tổ chức thực hiện như thế nào. Ở đây, phải liệt kê tất cả công việc mà luật này đòi hỏi về nguồn nhân lực (tiền lương), cơ sở vật chất kỹ thuật (đầu tư) và những chi phí cần thiết khác. Điều này liên quan đến hiệu lực, hiệu quả cơ quan hành pháp thực thi nhiệm vụ của mình", ông Vĩnh nói.

"Công việc hành pháp ở nước ta trong giai đoạn hiện nay vô cùng 'ngổn ngang', công việc gì cũng có vấn đề", GS.TS. Bùi Thế Vĩnh nhận định, "Trong khi thể chế thì rắc rối, chả có nước nào suốt ngày nói đến thể chế như nước ta".

Để khắc phục những khiếm khuyết trên, theo ông Vĩnh, phải có sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận mục tiêu của CCHC, thay vì "một nền hành chính trong sạch, minh bạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả", hãy xác định xây dựng "một nền hành chính khiêm tốn và đơn giản".

"Đó là một nền hành chính trong đó Chính phủ lắng nghe nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ công chức lễ độ, các thủ tục hành chính thì dễ hiểu, dễ làm, dễ thực hiện", GS.TS. Bùi Thế Vĩnh nói.

Chung Hoàng (ghi)

Chính phủ nhìn lại 10 năm cải cách hành chính
Hành chính công: Không tỉnh nào hoàn hảo
Cải cách hành chính, sao vẫn ì ạch?