- Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009 nhưng chuyện vượt thu, bội chi mà Thường vụ QH (TVQH) băn khoăn có lẽ vẫn sẽ lặp lại trong những năm tới, nếu không có biện pháp nào quyết liệt.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trước TVQH hôm nay (29/6), tổng thu ngân sách nhà nước năm 2009 là 454.786 tỷ đồng (vượt dự toán 16,6%), chi ngân sách là 561.273 (vượt dự toán 14,2%).
Bội chi năm 2009 theo Nghị quyết QH chỉ được phép ở mức 4,82% GDP, nhưng do khủng hoảng tài chính – kinh tế thế giới ảnh hưởng khiến kinh tế trong nước suy giảm mạnh, QH đã phải điều chính mức bội chi lên “dưới 7%”. Theo Bộ trưởng Ninh, quyết toán bội chi năm 2009 là 6,9%, “trong phạm vi QH cho phép”.
Trước việc các khoản thu chi khi quyết toán đều khác biệt đáng kể so với dự toán, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận định rằng chất lượng công tác dự báo và xây dựng dự toán còn hạn chế, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành, việc này QH đã có ý kiến nhiều năm song việc khắc phục vẫn còn chậm.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước còn cho thấy một số bộ, ngành, địa phương sử dụng ngân sách cho vay sai quy định, tạm ứng kéo dài. Chính phủ còn tăng chi 28.574 tỷ đồng khi chưa xin ý kiến TVQH, theo ông Hiển, là “chưa có căn cứ pháp lý để quyết toán”.
Tuy vậy, cuối cùng UB Tài chính – Ngân sách vẫn đề nghị QH chấp thuận khoản chi này do “trong bối cảnh thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế thì việc tăng chi là cần thiết”.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước |
Do là quyết toán của năm 2009 nên, như Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói, “phải chấp nhận thôi”. Song ông Phước kiến nghị công tác dự toán phải làm kỹ hơn, không thể đại khái, dẫn đến quyết toán lúc nào cũng tăng, “cứ kéo dài lê thê mãi, không biết lúc nào mới khắc phục được”.
Ông Phước cũng đặt câu hỏi về tính nghiêm túc trong chi tiêu ngân sách, đặc biệt với khoản tăng chi 28.574 tỷ đồng của Chính phủ.
“Trong báo cáo chính thức sẽ trình trước QH sắp tới, Chính phủ cần có thái độ nghiêm túc và nói rõ, không thể cứ nhận khuyết điểm rồi lại tái phạm. Bây giờ luật pháp đã tương đối hoàn thiện, đã có Luật ngân sách, từ Thủ tướng cho tới các bộ trưởng phải tuân thủ một cách nghiêm khắc, gương mẫu, không nên đổ lỗi cho thực tiễn yêu cầu”, ông Phước nói.
Chủ nhiệm UB Pháp luật
QH |
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng chia sẻ trăn trở này với ông Ksor Phước: “Xét về thể chế và trách nhiệm của bộ máy nhà nước trước nhân dân thì đây là một điều đáng buồn. Những khuyết điểm trong việc lập dự toán và thực thi kỷ luật ngân sách đều bộc lộ một thiếu sót có tính hệ thống”.
“Nếu cứ tiếp diễn như thế này thì đến bao giờ chúng ta mới khắc phục được”, ông Thuận đặt câu hỏi, “Những khuyết điểm hàng chục năm nay, năm nào cũng như năm nào, là do những con người có chức sắc, có trách nhiệm quản lý tiền dân trong bộ máy nhà nước, đâu phải tại dân”.
“Dường như vẫn có một tâm lý tự thỏa mãn, chấp nhận như một điều ‘biết rồi, khổ lắm, nói mãi’”, ông Thuận thẳng thắn, “Chắc chắn hai năm nữa những khiếm khuyết trong thực hiện kỷ luật thu chi ngân sách vẫn được nhắc lại, nếu như không có các giải pháp thực sự mạnh về tổ chức, nhân sự”.
Thủy Chung