Mỹ và Philippines sẽ thúc giục Diễn đàn Khu vực các nước Đông Nam Á (ARF) giải quyết những căng thẳng hiện tại xung quanh vấn đề tranh chấp ở Biển Đông khi ARF khai mạc vào cuối tháng này ở Bali, Indonesia.

“Là một diễn đàn an ninh quan trọng, vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ có thể là chủ đề chính tại ARF", Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói. Đại sứ Mỹ tại Philippines Harry Thomas cũng nhất trí rằng, ARF “là cơ hội tuyệt vời để giải quyết xung đột ở Biển Đông”.

ARF sẽ diễn ra ở Bali vào giữa tháng 7 và là nơi tập trung của các chuyên gia an ninh quốc tế từ 10 quốc gia thành viên ASEAN cũng như các đối tác đối thoại của hiệp hội. ASEAN gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Các đối tác đối thoại gồm Mỹ, EU, Australia, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Nga.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Philippines Albert del Rosario Ảnh: Daylife.

Những nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông gồm Philippines, Trung Quốc, Việt Nam, Brunei và Malaysia.

Cách tiếp cận, giải pháp

Ông Del Rosario cho hay, vấn đề có thể được tiếp cận từ góc độ an ninh hàng hải trong khi Đại sứ Mỹ Thomas lại thúc giục áp dụng các giải pháp ngoại giao. Chính phủ Philippines đã gửi tới đại sứ quán Trung Quốc ở Manila thư phản đối về các vụ xâm nhập gần đây của tàu thuyền Trung Quốc ở khu vực Manila tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.

Tuần trước, ông Del Rosario đã tới Washington D.C. và có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Hillary Clinton vào ngày 23/6.

Trong cuộc họp báo chung với ông Rosario, bà Clinton khẳng định: "Như tôi đã nói nhiều lần trước đây, Mỹ có một lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải, tuân thủ luật pháp quốc tế, thương mại hợp pháp không bị cản trở ở Biển Đông. Chúng tôi chia sẻ mối quan tâm này không chỉ với các thành viên ASEAN mà còn với những quốc gia hàng hải khác trong cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn”.

"Mỹ không đứng về phía nào trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng chúng tôi phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của bất kỳ bên nào”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.

Về phần mình, ông Del Rosario đáp lời bằng cách khẳng định quan điểm của Philippines trong duy trì hòa bình và tạo điều kiện phát triển kinh tế ở các vùng biển, đảo tranh chấp. Ông khẳng định: "Cần tách riêng những khu vực không tranh chấp khỏi các vùng tranh chấp. Những gì của chúng tôi là của chúng tôi, và những gì tranh chấp có thể chia sẻ”.

Năm nay, Philippines và Mỹ kỷ niệm 60 năm ký kết Hiệp ước Phòng thủ chung.

Bà Clinton cho hay, Mỹ tham gia “các cuộc thảo luận với chính phủ Philippines về những gì họ cần, để nắm bắt quyết định triển khai lực lượng và những ưu tiên cao nhất… và chắc chắn chúng tôi sẽ làm những gì có thể để ủng hộ Philippines trong phòng thủ hàng hải”.

Ông Del Rosario nhấn mạnh rằng, Philippines đã được cam kết các tài nguyên "để bảo vệ biên giới quốc gia và đảm bảo tự do hàng hải, dòng chảy thương mại không bị cản trở. Chúng tôi hoan nghênh đảm bảo từ Ngoại trưởng Clinton cam kết tôn trọng các nghĩa vụ hiệp ước".

Khu vực của Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác

Trong khi đó, bộ Ngoại giao Philippines (DFA) đã hoan nghênh việc Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua một nghị quyết phàn nàn về các hành động của tàu Trung Quốc ở Biển Đông và kêu gọi một giải pháp hòa bình, đa phương cho tranh chấp hàng hải.

Người phát ngôn DFA Ed Malaya cho hay, nghị quyết được các Thượng nghị sĩ Jim Webb và Jim Inhofe giới thiệu, được sự nhất trí thông qua của Thượng viện Mỹ, đã ủng hộ đề xuất của chính phủ Philippines cho một giải pháp đa phương và hòa bình giữa các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

“Cần thiết phải có những bước đi cụ thể để tháo gỡ căng thẳng trong khu vực thông qua hội đàm và ngoại giao”, Malaya nói. “Chúng tôi thúc giục tất cả các quốc gia tuyên bố chủ quyền nghiêm túc xem xét đề xuất của chúng tôi để biến khu vực từ một vùng tranh chấp sang vùng của Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác”.

Hôm qua (30/6), một quan chức ngoại giao Philippines cho hay, Tổng thống Benigno Aquino III có kế hoạch thăm Trung Quốc vào những tuần tới. Chuyến công du của lãnh đạo Philippines dường như diễn ra vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9, Ngoại trưởng Albert del Rosario cho biết. Ông Del Rosario sẽ tới Trung Quốc trước ông Aquino từ 7-9/7 theo lời mời của người đồng cấp Dương Khiết Trì.

Philippines đã phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc nhiều lần xâm nhập vào các khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Hai tuần trước đây, Tổng thống Aquino mạnh mẽ tuyên bố rằng, nước ông sẽ không để Trung Quốc chèn ép tại khu vực tranh chấp.

Thái An