Hôm nay, Hội nghị lần thứ 14 của BCH TƯ Đảng sẽ khai mạc và kéo dài trong một tuần. Với tầm vóc hội nghị trung ương cuối cùng trước khi Đại hội Đảng diễn ra nửa đầu tháng 1 năm sau, một số tâm nguyện gửi gắm niềm tin Hội nghị 14 sẽ đáp ứng mong đợi của người dân cả nước .

 

Mong đột phá trong cách chọn nhân sự

Theo thông lệ, việc quan trọng nhất của hội nghị trung ương cuối cùng là thống nhất phương án nhân sự trình Đại hội Đảng XI.

Và cũng như thông lệ, chuyện nhân sự bao giờ cũng là mối quan tâm hàng đầu của mỗi kì Đại hội. Có không ít luồng ý kiến trong các cán bộ lão thành và đảng viên cho rằng, nếu đại hội bầu được những vị trí trọng trách có bản lĩnh và phẩm chất, thì các văn kiện có thể chưa thật tốt  cũng có thể khắc phục nếu vấn đề nhân sự có sự đột phá trong cách làm .

Luồng ý kiến này không phải là vô lý. Bởi vấn đề nhân sự BCHTW và Bộ Chính trị có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện các nghị quyết và quyết định của Đại hội XI.

Phát biểu khai mạc Hội nghị TƯ 13 ngày 7/10, Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu phải chọn được các ủy viên TƯ khóa tới là những người có bản lĩnh, tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới, phẩm chất đạo đức, uy tín, đủ năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn mới.

Nhân sự cấp lãnh đạo, đặc biệt là các nhân vật giữ trọng trách hàng đầu trong các bộ máy Đảng và Nhà nước của quốc gia, và trên hết là nhân vật Tổng bí thư,  phải là những người có bản lĩnh, có khả năng đột phá, chớp thời cơ, biết  tạo thế và lực để đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới , là đại diện tinh hoa  của đất nước, là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam.

Nỗi ưu tư trăn trở hiện nay của những đảng viên kì cựu, những người yêu nước, tâm huyết với sự nghiệp của Đảng, sự nghiệp của đất nước và toàn thể xã hội là phương án nhân sự của Hội nghị lần này liệu có chọn ra được những lãnh đạo xứng tầm nếu vẫn giữ những tập quán, phương pháp làm cũ .

Nói như ông Lê Phước Thọ, nguyên Trưởng ban Tổ chức TƯ: “Chúng ta không thể bằng lòng với hiểu biết cũ, cách nhìn cũ, cách làm cũ và đánh giá cán bộ theo kiểu cũ. Chọn nhân sự mà cứ luẩn quẩn thì làm sao có đột phá?”

Theo đó, người từng nắm giữ trọng trách làm nhân sự của Đảng đề nghị phải có sự thay đổi lớn về nhận thức trong công tác cán bộ, có tinh thần mới, cách làm mới trong lựa chọn nhân sự. Đại hội XI nhất thiết phải chọn được những người xuất sắc nhất  trong Đảng để giao những trọng trách, đúng với tinh thần vì việc mà chọn người.

Mọi quan niệm hay cách làm lâu nay như "cơ cấu vùng miền", "tuần tự vi tiến", "đến hẹn lại lên", sự câu nệ vào "quá trình" (thường áp dụng đối với những người được đề cử vào Bộ Chính trị và dự kiến Tổng bí thư), sự phân vai các chức vụ lãnh đạo chủ chốt (Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ) rất cần được thảo luận kỹ lưỡng để tìm ra phương pháp làm tốt nhất.

 

Đi xa hơn, ông Nguyễn Văn An, nguyên Trưởng Ban Tổ chức trung ương, nguyên Chủ tịch Quốc hội còn cho rằng, Đại hội XI có thể xem xét đến phương án tranh cử trong nội bộ Đảng.

Bằng kinh nghiệm ở các vị trí lãnh đạo chủ chốt quan trọng trong Đảng cho đến cương vị nguyên thủ quốc gia, ông Nguyễn Văn An tin rằng, trong bối cảnh thực tế của Việt Nam hôm nay, vẫn có thể “tổ chức tranh cử minh bạch nếu khuyến khích để các ứng viên trình bày quan điểm độc lập trong cương lĩnh chính trị, trong chiến lược kinh tế, trong báo cáo chính trị, về đánh giá tình hình, phân tích nguyên nhân và chủ trương giải pháp. Cái quan điểm độc lập này của từng ứng viên rất quan trọng vì nó chính là cái để các ứng viên thuyết phục mọi người và để mọi người có điều kiện so sánh, lựa chọn”.

Tựu trung lại, các ý kiến tâm huyết mong muốn: xin đừng bầu cử hình thức, người được bầu cần gương mẫu về công khai minh bạch, có cam kết công khai với cả nước (chương trình hành động) những việc mình sẽ làm để thực hiện những nhiệm vụ hay một số nhiệm vụ trọng đại nhất của đất nước trong nhiệm kỳ 5 năm này, có tuyên thệ thực hiện cam kết; Đại hội XI quyết định và tổ chức cách thức giám sát công khai trong toàn Đảng và cả nước việc thực hiện những cam kết của Tổng bí thư.

Làm được như vậy, chắc chắn đây sẽ là bước đi đầu tiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đổi mới xây dựng Đảng, sự mở đầu quá trình dân chủ hóa hệ thống chính trị của đất nước.

Đổi mới thể chế để kiến tạo nền tảng phát triển

Bên cạnh những góp ý về công tác nhân sự, có luồng ý kiến mong muốn Bộ Chính trị, Ban Chấp hành TƯ, thay vì chỉ tập trung bàn chuyện nhân sự, sẽ chọn khuynh hướng đổi mới tư duy toàn diện cả về kinh tế và chính trị. Những ý kiến này đến từ những người từng nắm giữ các trọng trách trong Đảng và nhà nước như nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương… cũng như của nhiều nhân sỹ trí thức nặng lòng, nặng tình và tràn đầy tâm huyết với Đảng.

Bằng góc nhìn của những người trong cuộc, gắn bó máu thịt với chế độ, những người góp ý này cho rằng, đã đến lúc phải chọn khâu đột phá là cải cách hệ thống chính trị, luật hóa sự lãnh đạo của Đảng, có những giải pháp căn cơ để nâng cao dân chủ trong Đảng và trong xã hội như một hướng đi tất yếu để kiến tạo nền móng phát triển vững chắc cho tương lai. Chỉ như vậy, Đảng mới đủ sức vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt của thời đại hôm nay, giữ vững sự lãnh đạo của mình và xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân.

Không cần tìm những chủ thuyết phát triển xa xôi đâu đó, chỉ cần trở về với Tư tưởng – Minh triết Hồ Chí Minh đã được thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945, trong Hiến pháp năm 1946, trong di chúc thiêng liêng của Bác..., trong lời nói và việc làm của Bác mà lãnh đạo Đảng đang ra sức kêu gọi học tập và làm theo Bác. Có những điểm rất đáng nêu ra bàn luận thật thấu đáo ở Đại hội, để Đại hội 11 thực sự là ngày hội lớn của dân tộc :

1- Quán triệt tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc ; bình đẳng và công bằng cơ hội phát triển cho mọi thành phần kinh tế .

2- Bảo đảm phát huy tự do dân chủ, dân là người chủ đích thực của đất nước, dân phải được phúc quyết Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia;

3- Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN vững mạnh, pháp luật là tối thượng, quyền lực nhà nước là của dân, thống nhất ở nơi dân, thể hiện trong Hiến pháp và Pháp luật theo mô hình phổ quát phân chia ba nhánh quyền lực nhà nước một cách rạch ròi, minh bạch

4- Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội Việt Nam nhưng không tự cho mình là đương nhiên, mãi mãi, mà Đảng  giành quyền lãnh đạo thông qua tranh cử trong Đảng và ngoài Xã hội. Đảng hoạt động hợp pháp, theo Luật về Đảng do Quốc hội ban hành.

Với Đại hội VI, Đảng ta đã vượt lên chính mình, thông minh và dũng cảm mở đột phá khẩu để thoát ra khỏi những ràng buộc, sai lầm của mô hình cũ.

Từ đó tới nay chúng ta đã đi được quãng đường khá dài, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, với xu thế không thể đảo ngược.

Hy vọng rằng, với Đại hội XI, XII, Đảng ta sẽ tiếp tục vượt lên, đổi mới toàn diện, kiến tạo một nền móng phát triển vững chắc để đất nước tiếp tục bứt phá vào tương lai. Xứng đáng với trọng trách vinh quang mà dân tộc đang trao cho Đảng.

  • Quốc Thái