- UBTVQH dự kiến phân bổ số lượng ĐBQH TP.HCM khóa 14 (2016-2021) được bầu 30 người, trong đó đại biểu do TƯ gửi bầu là 14 người, giống như Hà Nội.

Tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất chiều nay, Phó chủ tịch HĐND TP Trương Thị Ánh đã báo cáo công văn của UBTVQH dự kiến phân bổ cơ cấu, thành phần, số lượng ĐBQH khóa 14, nhiệm kỳ 2016-2021 cho TP.HCM.

Tổng số ĐBQH được bầu là 30 người, trong đó nguồn đại biểu từ TP 16, TƯ giới thiệu 14. So với nhiệm kỳ trước, số ĐBQH do TƯ gửi tăng 4 người.

Trên cơ sở cơ cấu dự kiến trên, MTTQ TP.HCM đã chuẩn bị tờ trình dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng ĐBQH khóa 14 của TP.

Sau nhiều tranh luận về cơ cấu, thành phần, sau hiệp thương, hội nghị thống nhất chốt tổng số nhân sự của TP dự kiến giới thiệu là 46 người. Từ 46 người này, người dân sẽ đi bầu để bỏ phiếu chọn ra 16 ĐB theo như cơ cấu UBTVQH ấn định.

TƯ 'gửi' người nhưng bầu là do dân

Một vấn đề lại được xới lên trong hiệp thương, đó là câu chuyện TƯ 'gửi' người về đề bầu.

{keywords}
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Hội Cựu chiến binh TP đưa ra quan điểm số người gửi về của TƯ "đông quá" và những người dân ở TP không biết ai với ai trong khi cầm lá phiếu đi bầu phải chọn thật kỹ. Ông muốn TƯ chỉ gửi nhiều nhất 3 người.

Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch UB bầu cử TP nhắc lại, tại kỳ bầu cử 2011, TƯ dự kiến gửi về 11 người. Nhưng sau hiệp thương chỉ còn 10 người. Ra đến bầu cử chính thức, chỉ có 5 người thuộc nguồn TƯ.

Bà cho hay, dù năm nay số đại biểu TƯ gửi về 14 người nhưng TP.HCM có quyền hiệp thương để báo cáo TƯ biết cơ cấu nhân sự cũng như đảm bảo tiêu chuẩn nhân sự được bầu. Lá phiếu của người dân mới quyết định sau cùng.

Chủ tịch UB Bầu cử TP cho rằng, quan trọng nhất phải đảm bảo hiệp thương không bị động, đoàn ĐBQH TP sau cùng được bầu hợp lòng dân. 

Những đại biểu của TƯ gửi cũng là thuận lợi cho thành phố vì họ nắm chắc những vấn đề vĩ mô, có những người cấp bộ trưởng sẽ giúp cho TP đề xuất nhiều vấn đề sát hơn.

{keywords}

Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch UB bầu cử TP.HCM

Nếu ứng viên của TƯ có vấn đề về chất lượng thì đại biểu, cử tri, nhân dân hoàn toàn có thể có ý kiến.

Ông Nguyễn Hữu Danh, Hội Cựu giáo chức TP kiến nghị lưu ý đưa vào Quốc hội một thành phần có sự đóng góp cho rất lớn đó là Việt kiều.

"Họ mang kiều hối, tiền về đây đầu tư về nhiều, có nghĩa họ rất tin tưởng. Việc cơ cấu đưa 1 đại diện vào QH có tác động rất lớn, khuyến khích cộng đồng người Việt ở nước ngoài rất nhiều. Họ về kinh doanh mà lại không tạo cơ hội cho họ có tiếng nói đại diện, điều này nên suy nghĩ", ông Danh nhấn mạnh.

Trong 46 người được TP.HCM giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa mới có 2 người tự ứng cử, 3 người ngoài Đảng.

Xuân Linh