- Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nhận thấy cần tăng thời gian thảo luận các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của QH, Chủ tịch nước, Thủ tướng...

Sau nhiều lần lỗi hẹn trình UBTVQH, dự án luật Biểu tình được chốt trình ra QH tại kỳ họp thứ 11 diễn ra vào tháng sau.

Sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về dự kiến nội dung chương trình kỳ họp này, trong đó đề cập đến dự án luật Biểu tình. Theo đó, dự luật được dự kiến trình QH vào sáng 28/3.

Tuy nhiên Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đến thời điểm hiện tại, Chính phủ chưa trình UBTVQH dự thảo luật.

{keywords}
Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa: Luật Biểu tình nhạy cảm, cần thời gian thẩm tra, không thể vội vàng

Nghe vậy, Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa đề xuất, nếu hết tháng 2, Chính phủ vẫn chưa có chương trình xem xét dự án luật Biểu tình thì buộc phải tạm lùi đến kỳ họp sau vì đây là dự án luật nhạy cảm, cần có thời gian thẩm tra, không thể vội vàng.

Thông qua luật Báo chí sửa đổi

Theo chương trình dự kiến, kỳ họp cuối cùng của QH khóa 13 sẽ diễn ra trong khoảng 16 ngày (21/3 đến 9/4), xem xét, thông qua 7 dự án luật.

QH sẽ dành 3,5 ngày để thảo luận ở tổ và hội trường về các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của QH, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Tổng Kiểm toán nhà nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao.

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng thời gian 3,5 ngày vẫn chưa tương xứng: “Báo cáo tổng kết là nội dung quan trọng, người dân hết sức quan tâm. Nên thêm thời gian để khoá tới rút kinh nghiệm làm tốt hơn và cần tường thuật trực tiếp”.

QH cũng xem xét, thông qua 7 dự án luật, trong đó có luật Tiếp cận thông tin, luật Báo chí (sửa đổi).

{keywords}
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn

Chờ Chủ tịch QH về cho ý kiến

Có tiếp xúc cử tri trước kỳ họp QH cuối cùng hay không là nội dung có nhiều ý kiến tranh luận tại cuộc họp sáng nay.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết đến giờ ngay trong Thường vụ cũng rất nhiều người không rõ có tiếp xúc cử tri hay không.

“Tôi thực sự cũng thấy bí thật. Nếu có hay không phải chốt để còn thông báo cho cử tri”, ông Hiện nói.

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho hay, theo đúng quy định, các nội dung tiếp xúc cử tri phải hoàn tất 20 ngày trước khi khai mạc kỳ họp, nên nếu triển khai sẽ rất gấp, không đảm bảo chất lượng.

Nhiều ý kiến cho rằng các đoàn ĐB nên có cuộc gặp chung, lấy ý kiến các đại cử tri rồi tổng hợp ý kiến.

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho rằng nếu không đồng ý là trái luật.

“Tôi cho rằng không tiếp xúc cử tri không được, toàn việc đại sự thế này. Chúng ta sẽ chờ Chủ tịch QH về rồi cho ý kiến”, Phó Chủ tịch QH nói.

Thúy Hạnh