- Tổ chức tiệc hoành tráng chúc mừng nhậm chức dù có thể kinh phí là của cá nhân nhưng vẫn gây phản cảm, ít ai ủng hộ.
Trả lời báo chí bên lề phiên họp báo thường kỳ Chính phủ chiều tối nay, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng không nên mở tiệc chúc mừng nhậm chức, chỉ nên chúc mừng đơn giản, không nên tổ chức hoành tráng quá, sẽ gây phản cảm trong dư luận.
Vừa qua ở Nghệ An có việc tổ chức tiệc hoành tráng mừng Phó giám đốc Sở NN&PTNT nhận chức. Với cương vị là một lãnh đạo làm việc trong quản lý cán bộ, công chức, ông thấy việc này thế nào?
Tôi có đọc thông tin này trên báo chí. Nói chung, thói thường khi được tiến bộ, được giao thêm nhiệm vụ mới, chức vụ mới thì ai cũng vui mừng, phấn khởi. Điều đó có thể thông cảm được.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Những người sâu sắc sẽ bình tĩnh suy nghĩ làm thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chứ không chỉ vui mừng phấn khởi
|
Nhưng không nên mở tiệc mừng nhận chức, làm phông chữ to như báo đăng ảnh. Nếu mọi người có chúc mừng thì cũng chỉ nên đơn giản.
Bởi vì khi được bổ nhiệm chức vụ mới cũng chính là nhận thêm nhiệm vụ với nhiều trách nhiệm. Những người sâu sắc và có trách nhiệm sẽ bình tĩnh suy nghĩ làm thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chứ không chỉ vui mừng phấn khởi.
Mới nhậm chức mà vui mừng quá, sau đó lại không hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được giao thì thế nào? Có từ chức không?
Tổ chức những lễ mừng hoành tráng, dù kinh phí là của cá nhân nhưng sẽ gây phản cảm trong dư luận. Cái chính là phải cố gắng làm tốt nhiệm vụ để khỏi phụ lòng tin của cấp trên.
Trao đổi với báo chí, Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An nói rằng: “Chúng tôi cảm thấy xấu hổ”. Ông có bình luận gì về cách xử lý của tỉnh?
Tôi đồng tình với quan điểm và chỉ đạo của Tỉnh ủy Nghệ An về sự việc này. Sau khi báo chí nêu, tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra, để xem xét xử lý phù hợp.
Tiến sỹ không đáp ứng công việc cũng bị tinh giản Vừa qua Hà Nội có nêu khó khăn trong việc tinh giản biên chế do có nhiều tiến sỹ, thạc sỹ? Tinh giản biên chế bên cạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cũng là tạo cơ hội cho những người có trình độ, học vấn cao nhưng do bố trí công việc không phù hợp tìm được vị trí công tác mới phù hợp hơn ở các cơ quan, đơn vị khác. Vì vậy, không thể lấy lý do là do có nhiều thạc sỹ, tiến sỹ mà không tinh giản được biên chế. Lý do đó không thuyết phục mà thể hiện né tránh trách nhiệm của những người được giao thực hiện tinh giản biên chế. Chúng ta nên lưu ý rằng mục tiêu của tinh giản biên chế là để đưa những người không đáp ứng yêu cầu công việc ra khỏi đội ngũ. Vấn đề là nếu tiến sỹ, thạc sỹ mà không được bố trí công việc phù hợp, không làm việc đúng ngành nghề đào tạo thì trước hết phải xem lại lãnh đạo cơ quan đã sử dụng đúng đội ngũ của mình chưa. Những người có năng lực, có trình độ thì bố trí làm gì, có phù hợp không hay để ngồi chơi. Sau đó, mới rà soát lại đội ngũ của mình, nếu không có vị trí nào trong cơ quan phù hợp để bố trí thì cũng nên tạo cơ hội cho những người này tìm một công việc khác phù hợp và chú ý đến quyền lợi của họ. Đến nay, trong số biên chế tinh giản có bao nhiều người có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ? Hiện đang tiến hành nên chưa có thống kê về việc này. Vậy có trường hợp nào hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc mà bị tinh giản không? Nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì không bao giờ phải tinh giản biên chế. Vì như vậy sẽ trái với pháp luật (trái Nghị định 108). Việc tinh giản biên chế chỉ tập trung đưa những người không làm được việc ra khỏi bộ máy. Nếu có người hoàn thành xuất sắc ở trong danh sách tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ khi thẩm tra cũng sẽ có ý kiến ngay. |
Thu Hằng ghi