- Đào tạo cán bộ phải thực tế, không nhất thiết chỉ có GS siêu phàm mới dạy được. Sao không mời bà Mai Kiều Liên, anh Võ Quốc Thắng, Đoàn Nguyên Đức - Bí thư Đinh La Thăng gợi ý công tác đào tạo cán bộ.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng sáng nay làm việc với Học viện cán bộ TP.HCM.

Đào tạo cán bộ xả thân, tận hiến

Ông đặt ngay câu hỏi: Trường có gì khác biệt, đối tượng đào tạo là ai mà ngoài trường ra không thể đào tạo ở nơi khác? Học viện có chiến lược nào để có màu sắc riêng, đối tượng riêng, sản phẩm riêng mang thương hiệu của trường mà các trường khác không thể đào tạo được?

{keywords}

Bí thư Đinh La Thăng: Kinh nghiệm từng làm Bộ trưởng của tôi là nhìn thấy ĐBQH phải chào trước

Khi nghe Giám đốc Học viện Trần Hoàng Ngân trình bày về những đối tượng đào tạo truyền thống, ông Thăng hỏi: Sao không coi những cán bộ doanh nhân là một đối tượng đào tạo khi TP là đầu tàu kinh tế của cả nước và không đâu có nhiều cán bộ, lãnh đạo làm doanh nghiệp, kinh tế như nơi đây?

Nhấn mạnh việc đào tạo cần đặt ra những chiến lược tham vọng có tính khả thi, ông quán triệt mục tiêu chung, phải đào tạo được những cán bộ cho TP dám dấn thân, xả thân, tận hiến vì công việc, nhân dân.

Để làm được vậy, Bí thư Thành ủy gợi mở cán bộ giảng dạy không chỉ xuất thân từ giới học thuật thuần túy mà cả người có thực tiễn, kinh nghiệm dày dặn trong cuộc sống ở một lĩnh vực nhất định, để mang hơi thở cuộc sống vào bài giảng.

{keywords}

Giám đốc Học viện cán bộ TP.HCM Trần Hoàng Ngân: Trường luôn muốn có cơ chế đào tạo trước, đủ năng lực thì được đưa ra bổ nhiệm.

Giám đốc Học viện Trần Hoàng Ngân nêu một thực tế, đó là nguồn chủ lực cán bộ gửi vào đào tạo chủ yếu qua kênh Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ.

Ông tán thành gợi mở của Bí thư TP trong việc đào tạo những đối tượng quản lý, lãnh đạo là doanh nhân, thậm chí bồi dưỡng kiến thức hội nhập cho lãnh đạo quận, huyện, xã, phường... Ngoài ra, nhu cầu đào tạo cao cấp chính trị rất lớn, với khoảng 2-3 nghìn cán bộ nhưng hiện nay cơ chế không cho phép Học viện chủ động mở, chỉ được nhận nguồn phân bổ lớp từ Học viện Chính trị quốc gia.

Bí thư Thăng chia sẻ với Học viện điều đáng lo hiện nay là xu thế “bổ trước đào sau”, tức học không xuất phát từ yêu cầu công việc phải có kiến thức để làm việc mà học để chờ bổ nhiệm, đó cũng là cái khó cho Học viện.

Ông Trần Hoàng Ngân đồng tình, trường luôn muốn có cơ chế đào tạo trước, đủ năng lực thì được đưa ra bổ nhiệm. Trước mắt trường chú trọng đào tạo ngắn hạn, kỹ năng quản lý, giao tiếp công chúng cho lãnh đạo...

Không phải cứ giáo sư, tiến sĩ mới giảng dạy được

Sau khi lắng nghe các vướng mắc, đề nghị của Ban giám đốc Học viện, Bí thư Thành ủy đề nghị trường cần rà soát lại chiến lược quy hoạch phát triển sau 50 năm hoạt động, đánh giá đầy đủ những thành tựu, tồn tại, bất cập.

{keywords}

Ông một lần nữa lưu ý việc đào tạo xác định đến từng đối tượng cụ thể giống như Học viện Quốc phòng đang triển khai, tức mỗi đối tượng sẽ có chương trình, nội dung giảng dạy chuyên sâu, đổi mới giáo trình, gắn đào tạo với yêu cầu thực tiễn…

Về đội ngũ giảng dạy, Bí thư Thành ủy cho rằng phải tổ chức thầy giỏi có kiến thức, lý luận và thực tiễn. Ông đặc biệt lưu ý đối tượng đào tạo là những cán bộ lãnh đạo làm trong doanh nghiệp. Theo đó có thể mời chính những doanh nhân giỏi, có nhiều thực tiễn, thành công vào giảng dạy.

“Tại sao không mời chị Mai Kiều Liên, anh Võ Quốc Thắng, Đoàn Nguyên Đức vào giảng dạy? Không nhất thiết những GS siêu phàm mới dạy được, không phải chỉ GS, TS mới giảng dạy được”, Bí thư gợi ý.

Ông giao Học viện chuẩn bị chiến lược để trình Thành ủy phê duyệt, trong đó gắn với chiến lược phát triển TP, đào tạo cán bộ cho chính quyền, hệ thống chính trị, cán bộ quản lý cho doanh nghiệp, các ngành… Đặc biệt phải tuyển những học viên vào trường không phải học cho xong, học cho có bằng.

Nhân đây ông cũng lưu ý Ban Tổ chức Thành ủy cần xem lại, tham mưu cho lãnh đạo về công tác cán bộ, nếu không lại thiên theo chế độ tuyển cán bộ bằng cấp, cứ phải đủ bằng cấp mới bổ nhiệm, rồi lại “tiền bổ hậu đào”.

Ông nhắc đi nhắc lại nhiệm vụ phải đào tạo cho được những cán bộ đảng, chính quyền, đoàn thể cho TP thực sự vì dân, do dân, vì dân, tận hiến phục vụ nhân dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết định kịp thời, mà phải chịu trách nhiệm cụ thể.

“Chứ lâu nay toàn chịu trách nhiệm tập thể chung chung, chả kỷ luật được ai, cùng lắm phê bình nghiêm khắc, rút kinh nghiệm sâu sắc, phê bình tập thể, tức không ai chịu trách nhiệm, Tôi thực sự mong muốn xây dựng cán bộ có năng lực, hết lòng hết sức phục vụ cho nhân dân”, ông nói.

Bí thư phải cập nhật kiến thức 

Bí thư Thăng cũng gợi mở việc đào tạo những cán bộ hiểu biết pháp lý hội nhập bởi nay mọi vấn đề phải xử lý theo luật quốc tế, chứ không phải mệnh lệnh hành chính, ngay cả các ĐBQH, HĐND của TP.

{keywords}

“Như những ĐBQH, HĐND của TP cũng phải đào tạo dù QH đã có đào tạo riêng, chứ không phải đang là một người bình thường ngày mai vào QH, HĐND phán gì cũng xong hết, mắng hết cả các bộ trưởng. Kinh nghiệm từng làm Bộ trưởng của tôi là ra nhìn thấy ĐBQH phải chào trước…”.

Ông Thăng kỳ vọng phải đào tạo cán bộ kỹ trị, biết ra những quyết định dựa trên kiến thức khoa học, trí tuệ, có kỹ năng, không phải bằng ý tưởng chủ quan, cảm tính.

“Đến như các ủy viên TƯ Đảng khóa trước phải đào tạo cập nhật kiến thức, các ủy viên Bộ Chính trị không phải lên Bí thư là giỏi rồi, đầy đặn kiến thức rồi, mà phải cập nhật kiến thức, trường phải làm được như thế”, ông gửi gắm.

Xuân Linh - Đinh Tuấn