- Mình chỉ ra với lòng mong muốn được phục vụ đất nước, phục vụ dân tộc. Nếu như cử tri cho mình cơ hội phục vụ thì đó là cơ may để mình phục vụ. Còn nếu như kết quả cho thấy mình không đạt vậy thì có nghĩa là sự tin cậy của cử tri đặt nặng hơn vào những người từng có thành tích - Ông Hoàng Hữu Phước nói.
Có mặt trong danh sách tự ứng cử ĐBQH khóa 14 của TP.HCM ở vòng hiệp thương lần hai có ĐBQH khóa 13 Hoàng Hữu Phước. Chia sẻ bên lề cuộc họp tổ sáng nay, ông Hoàng Hữu Phước cho biết, sức khỏe ông đã tốt để trở lại làm việc bình thường cũng như tham gia tự ứng cử ĐBQH khóa tới.
Yếu thế của người tự ứng cử là yếu thế khách quan
Khi ông tự ứng cử thành công khóa 13, ông có thấy so với người được giới thiệu, người tự ứng cử có thiệt thòi hơn không?
Thực ra khi nói về thiệt thòi thì nó không phải mang tính chất bất bình đẳng, bất công, thiên vị. Nó là do chủ quan của một người được tổ chức đề cử thì người đó đã tham gia cách mạng, người đó có quá trình hoạt động được người dân biết đến nhiều hơn và người ta rất quen với các guồng máy hành chính.
Còn người tự ứng cử thì thiếu hẳn những cái đó. Chẳng hạn những người tự ứng cử ngoài Đảng thì rõ ràng là ngoài hệ thống chính trị, ngoài hệ thống công quyền và chưa được người dân biết tới. Còn người đã công tác chính trị xã hội thì người dân biết đến rồi, những cống hiến của họ cũng được biết tới.
Tôi cho rằng những yếu thế của người tự ra ứng cử là yếu thế khách quan, không có ý nghĩa là khi một người được cơ sở giới thiệu thì người đó có được thuận lợi mang tính thiên vị.
Trong nhiệm kỳ qua khi tự ứng cử thành công, ông có gặp khó khăn gì không?
Khó khăn của tôi như đã nói là do kinh nghiệm, hiểu biết về hệ thống chính trị xã hội, hành chính công quyền… nên phải dành ra 1 thời gian đầu, có khi là 2 - 3 kỳ đầu để làm quen với mọi người, làm quen với công việc.
Tất nhiên sự làm quen này ngay cả người được để cử lần đầu và tham gia ĐBQH lần đầu cũng như vậy thôi. Họ cũng phải dành thời gian để quen với sinh hoạt nghị trường.
Kỳ vừa rồi dư luận quan tâm việc ông viết blog liên quan đến một số đại biểu, ông có xem đó là kinh nghiệm để làm tốt cho nhiệm kỳ sau không?
Tất cả đều là kinh nghiệm để về sau mọi việc càng tốt hơn.
Chỉ ra với lòng mong muốn phục vụ đất nước
Ông cùng với một nhân viên có tham gia tự ứng cử ĐBQH khóa 14, một nhiệm kỳ làm QH rồi bây giờ tiếp tục ứng cử, ông có tự tin vào việc sẽ được chọn trong hiệp thương và tiếp tục thành công một lần nữa với cử tri?
Đó là Phó giám đốc. Đối với công ty, sau gom lại một hoạt động duy nhất đó là tư vấn. Công việc rất dễ dàng và mọi người cùng lo được chuyện đó, chưa kể nhu cầu càng ngày càng ít đi.
Nhiệm kỳ trước khi tôi tự ra ứng cử thì tôi có trả lời báo chí, tôi nói là tôi ra kỳ này không phải mình tin là mình có tín nhiệm của cử tri và mình chỉ ra với lòng mong muốn được phục vụ đất nước, phục vụ dân tộc.
Nếu như cử tri cho mình cơ hội phục vụ thì đó là cơ may để mình phục vụ. Còn nếu như kết quả cho thấy mình không đạt vậy thì có nghĩa là sự tin cậy của cử tri đặt nặng hơn vào những người từng có thành tích.
Nhiệm kỳ trước mình ra với tâm thế thoáng như thế, nhiệm kỳ này cũng vậy. Nếu cử tri thấy nên cho mình một cơ hội để mình tiếp tục ra phục vụ đất nước và nhân dân thì đó là làm tròn trách nhiệm của mình.
Ông có chia sẻ gì với nguời tự ra ứng cử nhiệm kỳ này không?
Nhiệm kỳ này người tự ứng cử có được lợi thế hơn ở chỗ có thời gian mấy năm qua của QH khóa 13 để theo dõi những người tự ứng cử khác đã gặp phải những khó khăn nào và rõ ràng là 5 năm qua thì có những khó khăn không những về kinh tế thế giới nói chung mà còn về mức độ đe dọa đối với an ninh Tổ quốc.
Nhưng Quốc hội khóa 13 đã vượt qua được và Chính phủ đã đem về cho đất nước bao nhiêu cơ hội là bệ phóng, nền tảng, đưa về những chuyến tàu đầy ắp vật liệu xây dựng để cho chuyến tàu mới của khóa 14 xây dựng được. Thêm nữa là tiến trình dân chủ hóa… Nó là động lực thúc đẩy nhiều người hơn tự ra ứng cử. Đây là dấu hiệu rất là khả quan.
Hồng Nhì (ghi)