Mạng wantchinatimes đăng tải bài viết về những thách thức mà Trung Quốc đối mặt khi mắc kẹt giữa lợi ích ngoại giao và lợi ích năng lượng.

Trung Quốc định đưa giàn khoan 'khủng' ra Biển Đông
Trung Quốc thử giàn khoan khủng để đưa ra Biển Đông

Những tranh cãi gần đây của Trung Quốc với Việt Nam và Philippines về thăm dò dầu khí ở Biển Đông là thách thức với chiến lược ngoại giao của chính Bắc Kinh khi chiến lược này luôn nhấn mạnh việc “ẩn mình” trên trường quốc tế.

Chính phủ Trung Quốc vẫn hy vọng “chơi một cách an toàn” trong khi xử lý các tranh chấp quốc tế, một nhà ngoại giao tại Bắc Kinh nói với Want Daily. Tuy nhiên, áp lực từ các nhóm lợi ích khác nhau trong nước, ví dụ như các tập đoàn dầu khí, đã đem lại tình thế tiến thoái lưỡng nan với các quan chức cấp cao - những người đang mắc kẹt giữa các lợi ích ngoại giao và lợi ích năng lượng.

Ảnh: wantchinatimes

Với thất bại ngoại giao mà Trung Quốc đã đối mặt trong năm 2010, khi liên quan tới các tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, Việt Nam, Philippines và Ấn Độ, trong năm nay, chiến lược ngoại giao của Bắc Kinh tập trung vào việc cư xử hữu nghị với các láng giềng, cũng như Mỹ.

Điều này có thể được nhận thấy rõ ràng từ chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đầu năm nay và chuyến công du của Thủ tướng Ôn Gia Bảo tới Nhật sau thảm họa động đất 11/3.

Tuy nhiên, theo nhà ngoại giao trên, trong khi Trung Quốc thiên về việc hạn chế ảnh hưởng tới nước khác, thì một số nhóm lợi ích trong nước lại gây áp lực cho chính phủ phải hành động khác. Ví dụ, ông này nói, các công ty dầu khí thúc giục chính phủ khởi động việc đưa giàn khoan khổng lồ ra Biển Đông với lý do bất ổn tại Bắc Phi và Trung Đông có thể ảnh hưởng tới nguồn cung dầu trong năm nay.

Nhà ngoại giao trên nhấn mạnh, Trung Quốc gần đây đã hoàn thành việc thăm dò môi trường tự nhiên ở Biển Đông, có được những hiểu biết sâu hơn về nguồn tài nguyên vùng biển, cũng như công nghệ khoan dầu nước sâu đã đạt được thành tựu đột phá trong năm nay.

Nhà ngoại giao này tin rằng, những nhân tố ấy có thể gia tăng áp lực với Philippines và Việt Nam, đồng thời tăng cường các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Trước đó, trong tháng 6, Mễ Lập Quân - chánh thanh tra Tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) cho hay, Trung Quốc dự kiến sẽ bắt đầu các hoạt động tại Biển Đông từ tháng 8.

Hồi tháng 2, đài truyền hình quốc gia Trung Quốc (CCTV) cho hay, CNOOC có kế hoạch đầu tư 350 tỉ nhân dân tệ (54 tỉ USD) trong 5 năm tới để khai thác tài nguyên dầu và khí tự nhiên. Trong số này, CNOOC dự kiến dùng 20 tỉ nhân dân tệ để khai thác và phát triển dầu khí vùng nước sâu. "Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc thăm dò và khai thác ở Biển Đông trong tương lai gần”, giám đốc điều hành CNOOC Dương Hoa nói trong một cuộc họp báo về chiến lược kinh doanh của công ty năm 2011.

Ngày 9/6, Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo các nước láng giềng châu Á ngừng tìm kiếm dầu ở gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, thậm chí còn thề sẽ khẳng định chủ quyền của mình với khu vực giàu tiềm năng dầu khí ở Biển Đông bất chấp chồng lấn chủ quyền với nhiều nước khác.

Giữa tháng 6, nhiều phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin, bất chấp việc gửi công hàm phản đối của Philippines, Trung Quốc sẽ vẫn triển khai một giàn khoan khổng lồ và bắt đầu tiến hành khoan tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Trang InterAksyon dẫn lời ông Joey Salceda - Thống đốc tỉnh Albay của Philippines rằng, Trung Quốc sẽ triển khai một giàn khoan khổng lồ tại vùng đang tranh chấp ở Biển Đông. Giàn khoan này mang tên Marine Oil 981 thuộc sở hữu của CNOOC. Đây là một giàn khoan nước sâu khổng lồ, dài 114m, rộng 90m, cao 137,8m và nặng 31.000 tấn. Với kích cỡ mặt sàn bằng sân bóng đá chuẩn, giàn khoan này có khả năng hoạt động ngoài khơi ở độ sâu tối đa 3.000m và khoan khoảng 12.000m chiều dài.

Hiện giàn khoan này đang trong quá trình thử nghiệm trên biển, trước khi được triển khai.

Thái An (theo wantchinatimes)