- Ông Djauhari Oratmangun, phụ trách quan hệ ASEAN - Indonesia, đại diện ban tổ chức loạt hội nghị AMM44 và ARF18 cho biết đoàn Trung Quốc sẽ có cuộc gặp song phương với Indonesia và “có thể sẽ tiếp xúc song phương với một số nước ASEAN khác”.

Tại cuộc họp báo hôm nay (17/7) ở Bali, Indonesia, ông Oratmangun cho biết nội dung các cuộc tiếp xúc này có thể liên quan đến các căng thẳng hiện nay trên Biển Đông.

Ước tính hơn 1.000 đại biểu từ 27 quốc gia tham gia các hội nghị AMM44 và ARF18 tại Bali, Indonesia. Ảnh: Chung Hoàng
Trong bối cảnh tình hình Biển Đông chưa lắng dịu trước thềm diễn đàn an ninh quan trọng nhất khu vực này, Trung Quốc vẫn tiếp tục khẳng định muốn giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông thông qua đàm phán song phương với các nước liên quan.

Tuy nhiên các bên liên quan này e ngại rằng đàm phán song phương sẽ khiến lợi thế nghiêng về phía Trung Quốc. Các nước đều muốn thảo luận và giải quyết vấn đề thông qua cơ chế đa phương, nơi các cuộc đàm phán sẽ có sự bình đẳng hơn.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 (AMM44) sẽ bàn về việc thực thi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Các bộ trưởng sẽ nhấn mạnh đến yêu cầu cấp thiết phải hoàn thiện các quy tắc thực hiện DOC đã bị trì hoãn quá lâu cũng như tiến tới một lộ trình xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của khu vực (COC).

Ông Djauhari Oratmangun cho biết “hy vọng có thể tổ chức hội nghị bàn về DOC giữa ASEAN và Trung Quốc trong năm nay”.

Trong khuôn khổ loạt hội nghị tại Bali, Indonesia, cũng sẽ có Hội nghị ASEAN + 1 giữa ASEAN với Trung Quốc.

Tuy vậy, theo nhận định của Kyodo News, việc Trung Quốc khăng khăng đàm phán song phương khiến nhiều nhà quan sát nghi ngờ về bất cứ đột phá nào trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Bất chấp việc Trung Quốc phản đối sự can thiệp từ bên ngoài, Kyodo News cho rằng Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ đưa vấn đề này ra tại cuộc gặp với ngoại trưởng các nước tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) ngày 23/7 tới.

Dù không có vai trò chính thức trong các tuyên bố chủ quyền tại khu vực Biển Đông, nhưng Mỹ coi việc tự do giao thương đường biển tại khu vực này là lợi ích quan trọng của mình, bà Clinton đã nói vậy tại Diễn đàn khu vực ASEAN tổ chức tại Việt Nam tháng 7 năm ngoái.

Khu vực giao thương hàng hải nhộn nhịp này còn là nơi được coi là có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt dồi dào. Các bên có tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ hoặc một phần trên vùng biển này gồm Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Giữa Trung Quốc và Việt Nam đã có không ít va chạm trên biển gần đây giữa các tàu cá và tàu tuần tra. Đã xảy ra ít nhất hai vụ tàu Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam.

Căng thẳng cũng gia tăng giữa Trung Quốc và Philippines sau khi hai tàu Trung Quốc yêu cầu một tàu khảo sát của Philippines rời khỏi khu vực Bãi cỏ rong mà Manila tuyên bố chủ quyền. Philippines đã cử máy bay quân sự đến khu vực này và nhiều lần mạnh mẽ phản đối Trung Quốc.

Chung Hoàng (từ Bali)

Diễn đàn ASEAN: Ngoại giao cho tranh chấp hàng hải
Theo báo Nikkei, tuyên bố của Chủ tịch ARF đưa ra tuần tới có thể kêu gọi áp dụng biện pháp ngoại giao phòng ngừa để ngăn chặn leo thang tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.
 
Quân đội Philippines nhận lệnh cảnh giác cao độ ở Biển Đông
Tổng thống Aquino lệnh cho quân đội ở biển Tây Philippines (Biển Đông) cảnh giác cao độ và tiếp tục bảo vệ các vùng lãnh thổ, lãnh hải của đất nước.
 
Chọn lựa nào cho ASEAN về tranh chấp Biển Đông?
Dù không có bổn phận pháp lý với các thỏa thuận, nhưng Trung Quốc thực sự có một trách nhiệm chính trị để hành động theo đúng những gì họ từng nhất trí - bình luận của tờ Jakarta Post.